Sóc Trăng: Tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước ngầm
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 05:37, 18/02/2017
Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nguồn tài nguyên nước ngầm trước tác động của biến đổi khí hậu cũng như hoạt động khai thác của người dân. Tuy nhiên, để công tác quản lý nguồn nước ngầm ở đây được tốt hơn rất cần sự hỗ trợ từ các sở, ngành chức năng…
Hiện nay trên địa bàn TX Vĩnh Châu có khoảng 25.000 giếng khoan, trong đó có nhiều giếng khoan không còn sử dụng sẽ được trám lấp
TX. Vĩnh Châu có vị trí tiếp giáp với biển, nên hầu như quanh năm nguồn nước mặt trên các sông, rạch bị nhiễm mặn, vì vậy nguồn nước ngọt phục vụ cho các sinh hoạt hàng ngày của người dân và khoảng 10.000ha rau màu được sử dụng chủ yếu từ nguồn nước ngầm.
Với việc người dân TX. Vĩnh Châu khai thác nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp khá lớn đã làm cho mực nước ngầm trên địa bàn bị sụt giảm sâu, cụ thể mực nước ngầm đo được so với mặt đất vào ngày 14/7/2015 ở TX. Vĩnh Châu là 9,48m, nhưng đến ngày 01/02/2016 đã giảm xuống độ sâu 10,31m và ngày 21/5/2016 giảm xuống độ sâu 11,84m…
Trưởng Phòng Tài nguyên nước- Khoán sản và Khí tượng thủy Văn- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, Đồng Thống Nhất cho biết: “Vào các tháng mùa khô, mực nước ngầm ở TX. Vĩnh Châu bị sụt giảm sâu nhất so với các huyện, thị khác trong tỉnh, nguyên nhân một phần do tình trạng người dân khoan giếng khai thác nước dưới đất quá mức, đặc biệt là trong thời gian vừa qua một số hộ dân nơi đây đưa các loài cá nước ngọt về vùng nước mặn để nuôi khiến cho nguồn nước ngầm càng thiết hụt, cạn kiệt”.
Trong năm 2016, nhiều hộ dân tiếp tục khoan cây nước, các ngành chức năng TX. Vĩnh Châu phát hiện 56 hộ dân khoan 88 giếng với công xuất lớn để lấy nước nuôi cá lóc, cá chạch, cá thát lát. Đa số các giếng khoan này có độ sâu từ 100 đến 120m, đường kính từ 60 đến 90mm. Không chỉ thế ở mỗi giếng, hộ dân còn lắp đặt thiết bị bơm chìm với công xuất từ 3 đến 5Hp để hút nước, khi các giếng khoan này hoạt động thì các hộ dân lân cận không khai thác được nước để phục vụ sinh hoạt. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Vĩnh Châu, Bùi Như Ý cho hay: “Khi phát hiện được vụ việc, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với một số ngành chức năng kiểm tra, nhắc nhở và đã đề nghị xử phạt vi phạm hành chính một số trường hợp khai thác nước ngầm từ 10m3/ngày đêm chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép…”.
Cũng theo ông Bùi Như Ý, trong thời gian qua Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình khoan giếng nước ngầm của người dân trên địa bàn, qua đó đã kịp thời phát hiện xử lý những trường hợp vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của phát luật về bảo vệ nguồn tài nguyên nước, tập trung trám lấp các giếng khoan không còn sử dụng để bảo vệ nguồn nước ngầm.
Tuy nhiên, để địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý bảo vệ nguồn tài nguyên nước, “Các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện chế tài để ràng buộc các đối tượng vi phạm phải tráng lấp giếng khoan như hiện trạng ban đầu; hướng dẫn, hỗ trợ cho địa phương thực hiện hoàn thành việc trám lấp các giếng khoan không còn sử dụng; sớm triển khai quy định về phân vùng được khai thác, cấm khai thác, hạn chế khai thác nước dưới đất và phân cấp cấp phép khai thác…”- Ông Bùi Như Ý, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Vĩnh Châu kiến nghị.
Theo ông Đồng Thống Nhất, Trưởng Phòng Tài nguyên nước- Khoán sản và Khí tượng thủy Văn- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng: “Hiện nay quy hoạch phân vùng khai thác, cấm khai thác, hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hiện tại đang tiến hành đấu thầu và sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới. Đối với việc trám lấp giếng khoan, Phòng Tài nguyên nước- Khoán sản và Khí tượng Thủy văn sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ địa phương để sớm hoàn thành việc trám lấp các giếng khoan…
Theo TNMT