Báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 18:30, 21/06/2024
Vì thế báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đảng lãnh đạo báo chí - Báo chí bảo vệ Đảng
Gần 1 thế kỷ trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, vượt mọi khó khăn, thách thức để phản ánh trung thực, bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc, tiến những bước vững chắc trên hành trình vẻ vang của mình.
Tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8/9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “tờ báo là tờ hịch cách mạng”. Người đã chỉ ra rằng: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Để thực hiện được điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập và chỉ đạo một số tờ báo quan trọng, góp phần định hình lịch sử và sự phát triển của Báo chí cách mạng Việt Nam như sự ra đời của tờ Thanh Niên, Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”. Qua bàn tay, khối óc và trí tuệ của Người, Báo chí cách mạng đã trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thể hiện tư tưởng, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân vào sự nghiệp chung của đất nước.
Theo thống kê của Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), chỉ tính riêng trong 30 năm đổi mới (1996 - 2016), Đảng ta đã ban hành 48 nghị quyết, kết luận, chỉ thị về lĩnh vực báo chí - xuất bản. Trong đó, riêng lĩnh vực báo chí, truyền thông là 22 văn bản. Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cũng đã ban hành 35 văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, điều chỉnh pháp luật đối với lĩnh vực báo chí - xuất bản. Trong đó, riêng lĩnh vực báo chí, truyền thông là 21 văn bản.
Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tiếp tục chỉ đạo: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại”. Đó là xu thế và cũng là mục tiêu của báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ.
Theo Nhà báo, Ths Trần Hồng Quỳnh, Vụ trưởng, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo chí cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và xuyên suốt. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của báo chí cách mạng Việt Nam là bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó bao gồm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
“Để báo chí cách mạng Việt Nam luôn phát huy vai trò, tác dụng, giữ vững tôn chỉ, mục đích, góp phần đắc lực trong các cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí; đồng thời luôn bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối và xuyên suốt đối với báo chí. Nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam là vừa phải tuyên truyền, phổ biến mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng; vừa phải ra sức đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch muốn chống lại hoặc làm sai lệch mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ này chính là tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc. Trong nhiệm vụ chung ấy, thì nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là quan trọng hàng đầu. Nền tảng tư tưởng của Đảng chính là hệ thống lý luận và là cơ sở khoa học và thực tiễn về xây dựng Đảng, về nguyên tắc hoạt động của Đảng, về định hướng phát triển của Đảng, về mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng”, Ths. Trần Hồng Quỳnh chia sẻ.
Hướng tới cái đẹp và hạnh phúc của con người
Nhìn nhận về báo chí trong thời kỳ hội nhập, nhà báo Hải Đường, nguyên Ủy viên Bộ Biên tập báo Nhân Dân chia sẻ: “Ngày nay, sự chuyển dịch hướng đi trong báo chí thể hiện rất rõ. Báo chí Việt Nam đã bắt kịp “Báo chí 5I”. 5I là những chữ viết tắt từ tiếng Anh, cụ thể là: Informed (am hiểu), Intelligent (thông minh), interesting (thú vị), Insightful (sâu sắc) và Interpretation (sáng tỏ). Đó là thuật ngữ khoa học. Còn nói một cách hình ảnh, báo chí trí tuệ là những tác phẩm có hàm lượng thông tin được cô đặc, như nước biển trên khoang tàu sẽ bay đi hết, đọng lại là những hạt muối. Cần tiếp cận cái mới một cách nhanh chóng, nhưng cái mới ấy phải được thẩm thấu qua cái màng lọc là truyền thống, là bản sắc dân tộc.
Báo chí đổi mới và viết về đổi mới luôn luôn là công việc hôm nay của mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí. Sự đổi mới có khởi đầu và không có kết thúc. Sự đổi mới trên nền tảng truyền thống báo chí, chức năng, vai trò báo chí trong xã hội mà chúng ta đang dày công xây dựng. Cố nhiên trong làng báo còn nhiều yếu kém, nhiều chuyện buồn, điều mà chúng ta đã nhiều lần tự chỉ trích. Sửa sai như thế nào? Tôi nhớ lời khuyên của một đàn anh lớn: Mỗi khi viết một bài điều tra, một bài bình luận, mỗi nhà báo luôn đặt mình ở tâm thế người trong cuộc. Nhà báo không chỉ đứng ở đầu nguồn tin tức mà ở trong lòng tin tức. Mỗi bài viết là sự cảnh tỉnh chứ không vùi dập; thông tin chứ không đe dọa; trò chuyện chứ không phán xét; làm mới những thông tin đã cũ bởi tri thức dẫn đường. Đó là đạo đức nghề nghiệp, là lương năng con người.
“Dù đổi mới, dù hiện đại báo chí đến đâu, chúng ta vẫn mãi là như thế - hướng tới cái đẹp và hạnh phúc của con người”, nhà báo Hải Đường đúc rút lại.
Đào tạo theo hướng báo chí công nghệ số
Trao đổi về công tác giảng dạy trong xu hướng đổi mới, phát triển và hội nhập, ThS Lê Thị Thoa, Giảng viên chuyên ngành Công nghệ Truyền thông, trường Đại học FPT cho rằng, trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, công chúng đang ngày càng bị cuốn hút bởi nhiều hình thức cung cấp thông tin động, hấp dẫn, tiếp cận trên toàn bộ các giác quan, cảm quan: đọc, nghe, nhìn, đối thoại, tham gia trực tiếp… Vì vậy, hoạt động đào tạo báo chí, truyền thông cần phải trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực truyền thông trên nền tảng truyền thông đa phương tiện đáp ứng xu thế của thời đại 4.0. Qua đó, người học khi ra trường mới có được chuyên môn vững về truyền thông và kỹ năng vận dụng tốt những tiến bộ, phát triển của khoa học công nghệ của thời đại.
Theo thống kê của các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 20.000 nhân lực trong lĩnh vực này. Còn theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Ngành thông tin và Truyền thông giai đoạn 2011-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực Thông tin và Truyền thông theo đặt hàng của các doanh nghiệp và theo nhu cầu của xã hội. Bởi lẽ, hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang sử dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, cuộc cách mạng công nghệ và trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi căn bản và toàn diện lĩnh vực báo chí, truyền thông, thay đổi cả nhu cầu của công chúng trong việc tiếp nhận thông tin, học tập và giải trí. Do đó, đào tạo phải bám sát nhu cầu thực tiễn của xã hội, doanh nghiệp và thị trường, người học vừa phải rèn luyện tư duy nền tảng, vừa phải thành thạo trong sử dụng công nghệ. Muốn như vậy, các trường phải đổi mới từ mục tiêu đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, học liệu, phương pháp dạy và học, v.v…