Ðối với mình, môi trường là lĩnh vực báo chí rộng mở và đầy tiềm năng
Gương sáng môi trường - Ngày đăng : 16:47, 21/06/2024
Dù không nhận được sự ủng hộ của gia đình nhưng bằng niềm yêu thích với nghề báo và những quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực môi trường, năm 2023, cô sinh viên báo chí Bích Lộc đã hái được “trái ngọt” đầu tiên trong hành trình theo đuổi đam mê của mình. Tuyến bài “Bế tắc xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề” do Lộc cùng nhóm bạn thực hiện đã giành được giải nhì, hạng mục báo mạng điện tử tại Giải Báo chí Sóng trẻ 2023. Đây là cuộc thi báo chí chuyên nghiệp do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức thường niên dành cho sinh viên, học viên trong toàn Học viện.
Tự tin theo đuổi đam mê
Bích Lộc chia sẻ, dù được định hướng theo ban tự nhiên nhưng cuối năm lớp 10, Bích Lộc đã hạ quyết tâm chuyển khối học để theo đuổi đam mê nghề báo. Quyết định này của Lộc vấp phải sự phản đối của gia đình nhưng niềm đam mê đã giúp cô chăm chỉ học hành để đạt thành tích thuyết phục bố mẹ. Bước vào kì thi đại học, Bích Lộc đặt cả 8 nguyện vọng vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền - ngôi trường đào tạo báo chí hàng đầu Việt Nam và thi đỗ vào trường với điểm số ấn tượng.
“Cho đến thời điểm hiện tại, em nghĩ việc mình cố gắng theo đuổi ngành báo là điều hợp lý và chưa bao giờ cảm thấy hối hận về điều đó.” - Bích Lộc chia sẻ.
Cô sinh viên có nụ cười hóm hỉnh bộc bạch rằng, trước khi theo đuổi ngành học này, cô đã từng được nghe nhiều người nói con gái làm báo sau này sẽ vất vả, khó khăn. Lộc cũng cảm thấy điều này đúng một phần qua những lần trải nghiệm và tham gia cộng tác với một vài tờ báo trong suốt 4 năm đại học. Tuy nhiên, sau tất cả, Bích Lộc vẫn cảm thấy rất vui vì được theo đuổi ngành học mà bản thân yêu thích.
Trải nghiệm để hiểu và yêu nghề hơn
Niềm đam mê và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ là động lực để cô sinh viên năng động Nguyễn Thị Bích Lộc mạnh dạn đăng ký tham gia các câu lạc bộ (CLB) báo chí ngay từ khi mới bước chân vào giảng đường đại học.
Bích Lộc chia sẻ: “Việc tham gia các CLB báo chí giúp em có thêm rất nhiều kinh nghiệm. Em được các anh chị trong CLB chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, cách viết tin bài. Những tin bài đầu tiên của em “ngô nghê” và còn nhiều sai sót cần sửa chữa nhưng nhờ sự giúp đỡ của mọi người, em đã viết được những tin bài chất lượng hơn và tự tin tham gia giải Báo chí của Học viện.”
Tham gia các CLB, Bích Lộc còn cộng tác với các tòa soạn và có cơ hội tiếp xúc với nhiều phóng viên, nhà báo. Việc được trải nghiệm khi tác nghiệp, tiếp xúc với những vấn đề trong cuộc sống đã giúp Lộc hiểu và yêu nghề hơn.
“Em nhớ khoảng thời gian vào năm 2 đại học, lần đầu tiên theo chân các anh chị phóng viên đi ghi nhận thực tế vấn đề ô nhiễm môi trường tại dòng sông Bắc Hưng Hải. Được đến từng địa điểm rác thải ngập ngụa, bốc mùi khiến em nhớ mãi. Sau lần tác nghiệp đó em đã có những kinh nghiệm riêng cho bản thân.” - Bích Lộc nói. Cô cũng chia sẻ, đó là lần đầu tiên cô được tham gia phản ánh vấn đề về môi trường và từ đó, cô sinh viên này đã dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực môi tường.
Thừa nhận việc vừa học vừa viết báo khiến bản thân nhiều lúc thấy “quá tải” nhưng trong đầu Bích Lộc chưa bao giờ xuất hiện ý nghĩ từ bỏ đam mê nghề báo. Cô tự đặt ra kỷ luật cho bản thân để hoàn thành mọi công việc được giao cũng như giữ gìn sức khỏe để tiếp tục cống hiến.
“Khi làm xong mọi thứ, cơ thể em sẽ “sập”. Đúng nghĩa là “sập” vì em thường bị ốm ngay sau đó và cần thời gian để phục hồi. Đôi lúc em thấy bất tiện bởi việc này nhưng lại hạ quyết tâm cố gắng giữ gìn sức khỏe bản thân thật tốt, ăn uống điều độ để có thể hoàn thành tốt mọi công việc.” - Bích Lộc chia sẻ.
Tự hào với “trái ngọt” đầu tiên
Nói về cảm xúc khi đạt được những thành tựu trong hành trình theo đuổi đam mê, cô sinh viên báo chí Nguyễn Thị Bích Lộc ví điều này giống như được tận hưởng “trái ngọt” sau quá trình nỗ lực, cố gắng.
“Em cảm thấy rất may mắn và tự hào khi có một chút thành tựu với những bài viết về vấn đề môi trường. Việc đạt được giải thưởng là sự nỗ lực của cả nhóm nhưng lại cho em thêm kinh nghiệm về sự nhạy bén khi tiếp cận đề tài của bản thân”. - Bích Lộc nói.
Cô sinh viên năm cuối chia sẻ rất quan tâm đến lĩnh vực môi trường và nhận thấy đây là lĩnh vực báo chí rộng mở và đầy tiềm năng. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi những vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm và bảo tồn thiên nhiên ngày càng trở nên cấp bách thì nhu cầu về thông tin chính xác và sâu sắc về các vấn đề này ngày càng lớn.
Nhớ lại lần thực hiện tuyến bài “Bế tắc xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề”, Bích Lộc cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với cô là khi đi ghi nhận thực trạng ô nhiễm tại làng giấy Phong Khê - Bắc Ninh. Dù đã được nghe thông tin ô nhiễm tại làng nghề này từ lâu nhưng khi được tận mắt chứng kiến, Bích Lộc vẫn không tin vào những gì được nhìn thấy và đến giờ vẫn còn hồi hộp khi trải qua những giây phút nguy hiểm khi tác nghiệp.
“Con đường đi vào làng đầy rẫy những vũng nước đen kịt, sủi bọt trắng xóa. Càng vào sâu trong làng, những núi rác khổng lồ bắt đầu dần hiện ra. Khi em dùng điện thoại để tác nghiệp thì một số người ra hỏi và cản trở. Thực sự lúc đó em đã rất sợ và phải trả lời bằng những câu chống chế để bảo vệ bản thân. Em đã cố gắng ghi lại thật nhiều hình ảnh nhất có thể và nhanh chóng rời đi dù sau đó vẫn bị số người này bám theo một đoạn khá dài. Đó là cảm giác hoảng sợ khiến em nhớ mãi”. - Bích Lộc bộc bạch.
Cô sinh viên năm cuối cho biết, bản thân sẽ tiếp tục theo đuổi ngành báo và mong muốn sẽ trở thành một phóng viên giỏi với nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường.
“Em thấy báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện những hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, em sẽ sử dụng ngòi bút của mình để đưa những thông tin chính xác và sâu sắc nhất về các vấn đề môi trường đến cho độc giả” Bích Lộc chia sẻ dự định của mình.