Ngành thủy sản Thừa Thiên - Huế ứng phó thời tiết, môi trường bất lợi
Kinh tế - Ngày đăng : 08:30, 27/06/2024
Theo các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên đầm phá ở xã Quảng Công (Quảng Điền), thời gian gần đây, môi trường vùng đầm phá có nhiều thay đổi, bất lợi cho các loài thuỷ sản nuôi nước lợ. Có những lúc nắng nóng cao điểm, kèm theo các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột, phức tạp làm thuỷ sản bị yếu, mất sức đề kháng. Một số ao hồ xảy ra hiện tượng thuỷ sản nuôi dịch bệnh, chết rải rác.
Thua lỗ kéo dài, nhiều hộ nuôi tôm không có khả năng đầu tư nên bỏ hoang ao hồ. Một số hộ chuyển sang nuôi cá kình và một số loại cá nước lợ cũng khá bấp bênh. Nắng nóng, thời tiết phức tạp trong thời gian qua cũng khiến các loại cá nuôi kém sinh trưởng, tỷ lệ hao hụt khá cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải, huyện Phong Điền, ông Nguyễn Trọng Tưởng chia sẻ, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường không thuận lợi, chính quyền địa phương không khuyến khích người dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong vụ hè bằng mọi giá nhằm tránh thiệt hại, thua lỗ.
Riêng một số hộ quyết tâm nuôi tôm vụ hè, địa phương khuyến cáo phải chấp hành quy định, đảm bảo quy trình, kỹ thuật theo sự hướng dẫn của ngành thuỷ sản. Chính quyền địa phương cũng đang phối hợp với các ban, ngành, đặc biệt là ngành thuỷ sản tổ chức nghiên cứu, tìm giải pháp thích hợp để giúp dân đầu tư nuôi tôm trên cát và các loại thuỷ sản phù hợp theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, mặc dù nhiệt độ nước ở mức cao, nhưng các vùng nuôi cá nước ngọt bằng lồng trên sông Bồ tại khu vực xã Quảng Thọ (Quảng Điền) và sông Đại Giang thuộc khu vực xã Thủy Tân (TX. Hương Thuỷ) tính đến ngày 25/6 đều có các yếu tố môi trường phù hợp với thủy sản nuôi. Đặc biệt, hàm lượng o-xy hòa tan đạt ngưỡng trên 6,5 mg/lít, cho thấy các dòng sông này có dòng chảy khá tốt, vùng nuôi có môi trường thông thoáng để trao đổi nước.
Độ mặn trong tháng 6 ở các điểm cấp nước vùng nuôi trồng thủy sản diễn biến thất thường. Tại phía bắc phá Tam Giang có độ mặn tăng so với tháng 5, nhưng lại giảm ở các vùng nuôi phía nam phá Tam Giang và đầm Cầu Hai. Tuy nhiên, đánh giá chung thì độ mặn toàn vùng đầm phá dao động từ 7-20‰ là phù hợp để nuôi chuyên tôm và xen ghép các đối tượng nước lợ như tôm, cua, cá. Các địa phương, khu vực vùng đầm phá có độ mặn thấp dưới 10‰ cần thả giống tôm đã qua ương dưỡng 30-45 ngày để đảm bảo tỷ lệ sống và đạt kích cỡ thu hoạch trước mùa mưa bão.