Dự án Cao tốc Bến Lức-Long Thành chậm tiến độ do thiếu mặt bằng ‘sạch’
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 04:32, 03/10/2019
Sau ngày 14/12/2020, Hiệp định vay vốn từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành sẽ hết hạn.
Từ nay đến ngày kết thúc hiệp định, tuyến cao tốc phải hoàn thành, nếu không vốn vay sẽ bị cắt.
Đến nay, các gói thầu qua tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh đang được gấp rút triển khai, sắp hoàn thành.
Bàn giao chưa đủ mặt bằng ‘sạch’ cho Cao tốc Bến Lức – Long Thành
Tuy nhiên, tại Đồng Nai vẫn còn hàng chục hộ chưa bàn giao mặt bằng, điều này khiến dự án thực hiện cầm chừng, tiến độ thi công chậm nhiều tháng so với kế hoạch ban đầu.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (thuộc Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam, chủ đầu tư), tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai gồm có 3 gói thầu là A5, A6 và A7 hiện đều đang “tắc” mặt bằng thi công.
So với dự kiến về kế hoạch hoàn thành các gói thầu này thì đến nay thời gian đã gần “cạn”, song tỷ lệ công việc đạt được rất thấp. Cụ thể, ở gói thầu A5 (thi công tuyến đường có chiều dài hơn 3km trên địa phận huyện Nhơn Trạch) thì tiến độ tính đến hết tháng 7 mới đạt được hơn 38%, chậm gần 30% so với kế hoạch; với gói thầu A6 (thi công có chiều dài hơn 16km thuộc địa phận 2 huyện Long Thành – Nhơn Trạch) thì tiến độ chỉ đạt 21%, chậm gần 7%; ở gói thầu A7 (thi công tuyến đường khoảng 6km nằm trên địa bàn huyện Long Thành và có đoạn cuối tuyến giao với quốc lộ 51) thì tiến độ đạt hơn 24%, chậm hơn 27% so với kế hoạch.
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam cho biết, tổng diện tích mặt bằng mà 2 huyện đã bàn giao cho chủ đầu tư trên thực tế là khá lớn, tuy nhiên lại bị ngắt quãng, không liền đoạn nên không thể thi công được. “Nhiều đoạn mặt bên trong thì có mặt bằng nhưng bên ngoài vướng nhà dân chưa đền bù xong nên không thể đưa máy móc vào để thi công được, đành phải chờ. Đơn cử như đoạn giao với quốc lộ 51, mặc dù chỉ vướng đất một hộ dân bên ngoài chưa giải quyết được, song toàn bộ phần thi công bên trong phải ngưng hết” – ông Hùng chia sẻ..
Thời gian qua, các cấp chính quyền ở Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tuy nhiên tiến độ công việc vẫn không đạt mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, tại huyện Long Thành, hiện còn 46 hộ chưa bàn giao mặt bằng và 2 hộ khai thác thuỷ sản trái phép ở xã Long Phước cản trở nhà thầu thi công.
Chậm giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến tiến độ thi công các gói thầu (A5, A6 và A7) đoạn qua tỉnh Đồng Nai đã chậm hơn nửa năm so với tiến độ cam kết ban đầu.
Hiện gói thầu A5 mới đạt gần 40%, gói thầu A7 đạt hơn 26% và gói thầu A6 chỉ đạt gần 23% tiến độ.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam kiến nghị ngành chức năng của Đồng Nai đẩy mạnh vận động người dân bàn giao mặt bằng, củng cố hồ sơ nhằm cưỡng chế những trường hợp cố tình chây ì, không chịu bàn giao đất; có biện pháp quyết liệt xử lý dứt điểm hộ khai thác thủy sản cản trở thi công.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Nhơn Trạch, việc giải phóng mặt bằng phục vụ cao tốc Bến Lức-Long Thành được huyện đặc biệt quan tâm.
Thi công tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn thuộc địa bàn huyện Long Thành đang được thi công. Ảnh: Báo Đồng Nai
Sau khi vận động, thuyết phục nhưng không thành, tháng Chín vừa qua, chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế nhiều hộ không chịu bàn giao đất.
Trên địa phận huyện Nhơn Trạch, hiện dự án còn vướng 45 trường hợp với hơn 13 hécta đất, trong đó có 6 trường hợp tòa án đang thụ lý giải quyết tranh chấp, 39 trường hợp khác chưa chịu nhận tiền đền bù do đang khiếu nại đơn giá bồi thường thấp.
Trên địa bàn huyện Long Thành, tiến độ giải phóng mặt bằng đạt 89%, đang gặp vướng mắc với 46 hộ dân, có tổng diện tích gần 4 hécta.
Đến nay, toàn huyện chỉ còn 8 hộ chưa bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 3 ha; trong đó toà án đang xử lý 3 trường hợp.
Với 5 hộ còn lại, các cấp chính quyền đã vận động, các hộ đồng ý bàn giao đất vào tháng 12/2019, đúng theo tiến độ thi công của nhà thầu.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành cho biết, trong số 46 hộ chưa bàn giao mặt bằng có 35 hộ đã nhận tiền và nhận đất tái định cư, đang xây nhà. Tới đây, khi xây nhà xong, họ sẽ chuyển đến nơi ở mới.
Các hộ còn lại chưa nhận tiền đền bù, đang khiếu nại về đơn giá bồi thường. Tuy nhiên, tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, chính quyền huyện Long Thành vẫn đang tích cực vận động người dân bàn giao mặt bằng, trường hợp cố tình chây ì, trong tháng 10 này, ngành chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế; đồng thời giải quyết dứt điểm 2 trường hợp khai thác thủy sản cản trở nhà thầu thi công.
Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, đi qua các tỉnh Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng, khởi công vào tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Khi đưa vào sử dụng, cao tốc Bến Lức-Long Thành sẽ kết nối giao thông Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ; kết nối trực tiếp với nhiều hệ thống cảng biển và Sân bay quốc tế Long Thành.
Với thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, khắc phục việc đội vốn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện đồng thời các giải pháp; trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quản lý đất đai, môi trường… đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với cơ chế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngọc Linh (t/h)