Đã tìm ra nguyên nhân tôm, cá chết đột ngột ở TX Sông Cầu
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 17:06, 28/06/2024
Trả lời kết quả xét nghiệm 2 mẫu cá chết do Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Yên lấy mẫu tại vùng nuôi ở xã Xuân Cảnh thuộc đầm Cù Mông (TX Sông Cầu), Chi cục Thú y Vùng IV cho biết không phát hiện tác nhân gây bệnh hoại tử thần kinh (VNN) trên mẫu cá xét nghiệm. Theo cơ quan chuyên môn, nhiều khả năng khiến cá, tôm chết đột ngột là do vùng nuôi quá tái, thời tiết mưa nắng bất thường gây thiếu ôxy cục bộ.
UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với UBND thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An cùng các đơn vị liên quan thường xuyên thực hiện công tác quan trắc, đánh giá, dự báo tình hình môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản; kịp thời có giải pháp, hướng dẫn người nuôi chủ động phòng tránh dịch bệnh và hạn chế sự cố môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi thủy sản bằng lồng, bè nói riêng.
UBND tỉnh cũng có văn bản đề nghị Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III hỗ trợ tỉnh Phú Yên xác định nguyên nhân cá, tôm nuôi lồng bị chết đột ngột vào ngày 22/6 tại xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu); có khuyến cáo, hỗ trợ giải pháp xử lý tình trạng trên.
Trước đó, từ đêm 21-24/6, tình trạng tôm hùm, cá biển nuôi lồng, bè tại xã Xuân Cảnh thuộc đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) tiếp tục chết với số lượng lớn. Thống kê ban đầu cho thấy đã có 88 hộ nuôi bị thiệt hại, số lượng tôm, cá chết gồm khoảng 1,7 tấn tôm hùm thịt; 6.000 con tôm hùm con từ 1-2 tháng tuổi; gần 45 tấn cá các loại và khoảng 6.000 cá con từ 1-2 tháng tuổi… thiệt hại ước tính hơn 7,3 tỉ đồng.
Ngay sau khi nhận được thông tin kể trên, các ngành chức năng đã thành lập tổ công tác xuống hiện trường lấy mẫu nước về xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm 2 mẫu cá chết do Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Yên lấy mẫu tại vùng nuôi ở xã Xuân Cảnh cho thấy không phát hiện tác nhân gây bệnh hoại tử thần kinh (VNN) trên mẫu cá xét nghiệm. Theo đó, cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân ban đầu xảy ra tình trạng tôm, cá chết đột ngột là do vùng nuôi quá tái, môi trường bị ô nhiễm, thời tiết mưa nắng bất thường gây thiếu ôxy cục bộ tại vùng nuôi.