Phú Thọ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:30, 28/06/2024
Phú Thọ có nguồn nước mặt và nước dưới đất khá dồi dào; nước mặt có 3 sông chính chảy qua là sông Đà, sông Lô và sông Thao; hai phụ lưu lớn là sông Bứa, sông Chảy và 108 sông, ngòi với tổng lượng dòng chảy 114,13 tỷ m3/năm; đồng thời còn có khoảng 2.210 hồ, hồ chứa, đập, đập dâng, ao, đầm. Nguồn nước mặt hiện tại đáp ứng tốt lưu lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân. Nước dưới đất có 11 tầng, trong đó có 2 tầng chứa nước lỗ hổng và 9 tầng chứa nước khe nứt với trữ lượng trên 2,2 tỷ m3/ngày. Nguồn nước này, được đánh giá có trữ lượng khá lớn, nhiều nhất ở huyện Phù Ninh có trữ lượng trên 400 nghìn m3/ngày.
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 94 nghìn m3nước thải xả ra môi trường mỗi ngày. Trong đó, nước sinh hoạt khoảng gần 5.000 m3; nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản gần 85 nghìn m3; nước thải y tế gần 3.000m3. Các cơ sở xả thải đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và vận hành xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, chất lượng, phù hợp với mục đích sử dụng của nguồn nước tiếp nhận và Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Phú Thọ đến năm 2030. Đối với các cơ sở xả thải trực tiếp ra ngoài sông, suối tự nhiên đã xử lý nước thải đạt cột A trước khi thải vào nguồn tiếp nhận... Các hồ chứa nước, tầng chứa nước trên địa bàn tỉnh cơ bản được duy trì, bảo vệ chất lượng, trữ lượng; bảo đảm dòng chảy tối thiểu duy trì hệ sinh thái thuỷ sinh theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Công tác thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước đảm bảo quy định của pháp luật; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển rừng và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh...
Thực hiện chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước; bảo vệ, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và giảm thiểu tác hại do nước gây ra, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm Luật Tài nguyên nước. Trong đó, tăng cường quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, hoạt động xả thải vào nguồn nước. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng nước tiết kiệm và thực hiện các biện pháp xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Đến nay, cơ bản các cơ sở sản xuất đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải để thu gom, xử lý toàn bộ nước thải trước khi thải ra môi trường. Hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3), hàng năm, toàn tỉnh đã khơi thông hàng chục nghìn km cống rãnh; thu gom, tiêu huỷ hàng tấn rác thải trong nguồn nước; xây mới, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hàng nghìn công trình cấp nước; trồng và chăm sóc hàng chục nghìn cây xanh... Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường đối với chất thải lỏng.
Song song với công tác tuyên truyền, Sở TN&MT Phú Thọ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước theo từng chuyên đề như: Khu, cụm công nghiệp; khu dân cư, đô thị tập trung; chăn nuôi...Các cơ quan chức năng thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung, các trang trại chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; xác định mốc giới phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt... Từ năm 2012 đến năm 2022, Sở TN&MT đã tổ chức 31 cuộc thanh tra, kiểm tra; Công an tỉnh hàng năm thực hiện các cuộc kiểm tra đột xuất; đã xử lý 120 vụ vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra ngoài môi trường với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 10 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Quang- Giám đốc Sở TN&MT Phú Thọ cho biết: “Luật Tài nguyên nước có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7/2024, hướng tới bảo đảm chất lượng môi trường sống, quyền tiếp cận của người dân, bảo đảm an ninh nguồn nước và bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra”. Theo đó, Luật quy định các chính sách để khuyến khích sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội đối với tất cả hoạt động liên quan đến tài nguyên nước; có chính sách ưu đãi các dự án đầu tư xây dựng các công trình điều tiết, tích trữ nước, khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác. Đồng thời, Luật quy định các chính sách miễn, giảm thuế, phí để khuyến khích các hoạt động phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; xây dựng các công trình phát triển, tích, trữ nước, điều tiết nguồn nước theo hình thức xã hội hóa...
Đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và giảm thiểu tác hại do nước gây ra.