Người đàn bà hơn 12 năm đẩy “siêu xe” làm đẹp cho đời

Gương sáng môi trường - Ngày đăng : 12:32, 30/06/2024

Người dân trong khu phố Bào Ngoại, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa đã đặt cho bà biệt danh “người đàn bà đẩy siêu xe” như để diễn tả cuộc sống thường ngày của bà. “Siêu xe” của bà là những chiếc xe rác cùng chiếc chổi tre làm bạn đồng hành khắp các con phố để làm đẹp cho đời.

Trong một buổi trưa cuối tháng 5 nắng vàng rực rỡ, cái nắng hừng hực của mùa hè như thiêu cháy vạn vật xung quanh. Tại con ngõ nhỏ của phố Bào Ngoại, chúng tôi bắt gặp người đàn bà mồi hôi nhễ nhại, đang còng lưng đẩy chiếc xe rác lặng lẽ đi từng bước một như đang chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Hỏi ra mới biết, đó là bà Nguyễn Thị Mai (61 tuổi), trú tại khu khu phố Bào Ngoại, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa. Bà là người đã dành cả cuộc đời mình để lái những chiếc “siêu xe” chạy khắp các con đường, ngõ xóm giúp môi trường sống của khu phố luôn được sạch sẽ, trong lành.

a-tr-38.jpg
Bà Nguyễn Thị Mai (61 tuổi), trú tại khu khu phố Bào Ngoại, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa - Người đàn bà hơn 12 năm đẩy “siêu xe” làm đẹp cho đời

Hết lòng vì gia đình

Bà Mai sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, đông anh chị em ở phố Đinh Lễ. Cuộc sống thiếu thốn nhưng bà được bố mẹ răn dạy phải sống “đói cho sạch, rách cho thơm”. Ngay từ khi còn nhỏ, bà Mai đã có tính tự lập, cố gắng làm việc, giúp đỡ cha mẹ để cuộc sống được cải thiện hơn.

Năm lên 15 tuổi, thiếu nữ Nguyễn Thị Mai năm ấy đã phải rời xa mái trường phụ giúp bố tại xí nghiệp gạch ngói để có thêm thu nhập nuôi các em ăn học. Những buổi làm việc vất vả, nhiều khói bụi tại công trường như nhuộm trắng những công nhân nơi đây. Tuy nhiên, bằng ý chí và nghị lực, bà Mai và những công nhân ở đây vẫn miệt mài làm việc, kỳ vọng về một ngày mai tươi sáng, được sống sung túc trong môi trường lành mạnh bên gia đình.

Vốn tính siêng năng cần cù, nên bà Mai được rất nhiều chàng trai yêu quý, theo đuổi. Nhưng đáp lại những tấm chân tình đấy chỉ là cái mỉm cười khước từ. Mãi đến năm 1989, khi vô tình chứng kiến cảnh chàng thanh niên Nguyễn Văn Chính (SN 1966) dù tàn tật hai chân vẫn cố gắng giúp mẹ dọn gánh hàng rong đã làm tan chảy trái tim bà. Ý chí nghị lực của ông Chính như tiếp thêm sức mạnh cho bà Mai vượt qua mọi thử thách. Sau một thời gian tìm hiểu, dù gia đình phản đối, nhưng bà Mai vẫn lựa chọn ông Chính là bến bờ hạnh phúc.

Dù sống trong nghèo đói, chồng tàn tật, nhưng ông bà sống với nhau rất hạnh phúc cùng với 4 người con. Để có đủ kinh phí nuôi dưỡng gia đình, hàng ngày bà phải đi làm ở công trường. Đêm đến, khi chồng con đã ngủ say, bà lại lủi thủi đẩy xe đi gom rác ở chợ đầu mối đến gần sáng mới về.

Bà Mai nhớ lại: “Ngày chúng tôi mới cưới nhau, cuộc sống vất vả lắm. Để có cơm ăn, ban ngày tôi đi làm việc ở công trường, tối đến, khi con ngủ say, lại thay quần áo đi ra chợ đầu mối gom rác. Nhiều hôm mệt quá, tôi gục trên xe rác ngủ thiếp đi, mãi đến lúc có xe vào lấy rác tôi mới tỉnh dậy, vội vàng tắm rửa chạy về bên con”.

Ngày mới đầu làm quen với công việc thu gom rác, mùi khó chịu của rác thải khiến bà Mai nhiều hôm không ăn được cơm nhưng rồi vì chồng con, vì môi trường chung của khu phố đã tiếp thêm sức mạnh cho bà tiếp tục hành trình “chinh phục” rác thải của những con phố.

Theo bà Mai, trong cuộc sống có rất nhiều ngành nghề và tâm lý thì ai cũng muốn có công việc nhẹ nhàng, sạch sẽ và thu nhập cao, nhưng nếu thế những việc vất vả ai sẽ làm, ai cũng muốn làm sếp thì ai làm nhân viên cho. Khi xã hội phân công mỗi người mỗi việc thì ta nên vui vẻ đón nhận và làm tốt công việc của mình. Có như vậy, chúng ta mới chung tay xây dựng nên cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

“Siêu xe” lượn phố làm sạch môi trường

Khi các con của bà đã lớn khôn, học hành đến nơi đến chốn cũng là lúc sức khỏe, tuổi tác của bà bước sang bên kia sườn dốc. Bà đã xin nghỉ ở công trường để dành trọn thời gian cho việc thu dọn rác. Tuy công việc có phần đỡ vất hơn so với đi làm gạch, nhưng việc đẩy xe rác lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại đến sức khỏe. Hơn thế nữa, các con bà cũng không muốn bà tiếp tục công việc liên quan đến rác thải bởi mặc cảm với bạn bè khi ra ngoài giao tiếp.

“Khi tôi chuyển sang làm cho công ty môi trường, mấy đứa nhỏ nhà tôi phản đối lắm, vì sợ mất mặt với bạn bè và lo sợ cho sức khỏe của tôi. Để trấn an các con, tôi thường khuyên nhủ, nói cho chúng hiểu về công việc của mình. Tôi bảo các con phải tự hào vì có một người mẹ như mẹ bởi vì nếu không có những người làm công việc như mẹ thì môi trường khu phố làm sao sạch đẹp được”. Bà Mai chia sẻ.

Sau những lần tâm sự đấy, không chỉ có các con bà nhìn bà với ánh mắt ngưỡng mộ mà những nơi bà từng đẩy xe thu gom rác đi qua đều dành tình cảm yêu thương đối với bà. Họ xem bà như một thành viên không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Bà như tiếng chuông báo thức khi mỗi khi đẩy xe rác chạy. Cũng từ đấy, mọi người thường gọi bà với cái biệt danh “người đàn bà đẩy siêu xe” làm đẹp cho đời.

a-trang-39.jpg
Theo bà Mai, khi xã hội phân công mỗi người mỗi việc thì ta nên vui vẻ đón nhận và làm tốt công việc của mình

Chị Nguyễn Thị Đào, ở phường Đông Hương nhận xét: “Bà Mai rất chăm chỉ, ngày hai lần đẩy xe đi gom rác, thấy nhà nào phân loại rác là không tiếc lời khen và nhắc nhở những hộ chưa chấp hành nên ai cũng quý tính thẳng thắn của bà”.

Không chỉ góp phần làm đẹp khu phố, bà Mai còn tận dụng những cơ hội thích hợp để “sửa sai” mỗi khi có bạn trẻ vứt rác bừa bãi hoặc có những lời nói thiếu tôn trọng đối với nghề vệ sinh môi trường.

Theo bà Mai, trước những thái độ cư sử chưa đúng chuẩn mực của một số người, ban đầu bà cũng tủi thân nhưng dần nhận ra rằng nếu mình không lên tiếng thì mọi người sẽ tiếp tục có những cư sử không đúng với môi trường và những người làm công việc như bà.

Ba Mai cho biết: “Thấy nhiều người trẻ còn vứt rác vô tội vạ, chưa có ý thức bảo vệ môi trường, tôi thường gọi lại, nói cho các cháu hiểu. Tôi bảo môi trường giống như một mặt hồ, nếu ta ném thứ gì vào đấy, nước sẽ bắn lại làm ướt ta, nên khi cháu vứt thứ gì ra môi trường, thì cháu sẽ nhận lại nó”.

Sự chân thành trong lời nói của bà đã làm nhiều bạn trẻ dần thay đổi cách cư xử. Cũng từ đó, hình ảnh mộc mạc, chất phác của bà Mai lại khắc sâu thêm trong trái tim những người khu phố. Đối với họ, bà không chỉ là người mang bầu không khí trong lành đến với khu phố, mà quan trọng hơn, còn là ngườ dám nói lên những bất cập, nhức nhối đang tồn tại bấy lâu nay.

Nói về những đóng góp của bà Mai, em Lê Thị Mỹ Linh, trú tại số nhà 21/152 Lê Lai cho biết: “Bà Mai rất tốt, ngoài dọn rác, bà còn là người rất cương trực, thẳng thắn phê bình những người chưa chấp hành quy định về môi trường. Bà thường dùng những câu chuyện để thay đổi suy nghĩ tiêu cực của mọi người nên rất được mọi người yêu quý”.

Khi cuộc sống đang phải gồng mình đối diện với ô nhiễm thì những người đàn bà đẩy “siêu xe” như bà Mai được xem là cơn gió mát mang đến luồng không khí trong lành cho khu phố.

Trọng Sơn