Rừng Amazon vẫn đang cháy tương đương với tốc độ 110 sân bóng mỗi giờ
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:00, 27/09/2019
Dữ liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (INPE) của Brazil ghi nhận gần 131.600 vụ cháy rừng tại nước này từ đầu năm 2019 đến nay, theo AFP.
Các vụ cháy phần lớn được gây nên bởi con người. Nông dân phát rừng để canh tác và chăn nuôi. Nạn phá rừng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Amazon.
Tỷ lệ phá rừng tại Brazil đã tăng gấp đôi kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức vào đầu năm 2019. Tốc độ tàn phá tương đương với 110 sân bóng mỗi giờ.
Cũng trong năm 2019, các trang web bảo vệ môi trường đã công bố số liệu gia tăng đáng kinh ngạc về các vụ cháy nổ xảy ra tại Amazon, cao gấp đôi so với mức trung bình giữa năm 2010 và 2018.
Số vụ cháy đang diễn ra tại nước này từ đầu năm đến ngày 19/9 tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018. Gần 50% số vụ diễn ra trong khu vực rừng Brazil.
Rừng Amazon bị lửa thiêu đốt nhìn từ hệ thống vệ tinh của Google Earth.
Vùng rừng và thảo nguyên Cerrado cũng đang chịu sự tàn phá nghiêm trọng từ các hoạt động của con người. Gần 50% diện tích bị hủy hoại vì nạn phá rừng với tốc độ gần 700.000 ha/năm, theo CNN.
Cerrado là ngôi nhà của khoảng 4.800 loài động vật và hơn 11.000 loài thực vật. Hơn 50% số loài chỉ sống tại khu vực này và không được tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Trong nhiều công bố, các chuyên gia đều đồng loạt khẳng định chính nạn phá rừng mới là nguyên nhân chủ chốt tạo nên các vụ cháy kỷ lục trong năm nay. Trước đó, nguyên nhân hạn hán vẫn được mang ra biện hộ cho các vụ cháy rừng. Đa phần lượng gỗ được khai thác từ rừng Amazon đều theo con đường phi pháp, điều này dẫn tới một cuộc chạy đua làm giàu bất chính của các nhóm tội phạm khai thác gỗ lậu.
Khi các thân cây lớn có giá trị bị đốn chặt, hệ thống rào cản tự nhiên của khu rừng đã bị loại bỏ khiến ngọn lửa có thể dễ dàng bùng phát ở các thảm thực vật thấp phía dưới. Ngoài ra, vùng đất rừng bị chặt phá còn bị chiếm dụng bởi các công ty công nghiệp khiến diện tích rừng càng bị lấn chiếm thu hẹp. Tại những vùng đấy này, con người lại tiếp tục tùy tiện trong quá trình sản xuất công nghiệp, gây nên nhiều vụ đốt phá rừng hơn nữa.
Trước đây, người dân bản địa thường có thói quen đốt rẫy gây ra một số vụ cháy rừng. Nhưng về sau, chính dân bản địa lại là những người nhận thức được tác hại lâu dài của việc gây tổn hại cho khu rừng.
Vấn đề nghiêm trọng khác phát sinh trong việc bảo vệ rừng khi cả cộng đồng bản địa gần khu vực Amazon đã quyết định chống lại các tổ chức tội phạm khai thác gỗ trái phép. Việc này gây nên tình trạng bạo lực phức tạp trong khi diện tích rừng vẫn bị thiêu đốt với tốc độ đáng lo ngại.
Phải cho tới khi những hình ảnh về bầu trời xám xịt toàn khói tại Brazil được công bố ra thế giới, quốc tế mới bắt đầu chú ý và nhận ra thảm họa cháy rừng sẽ ngày càng khó kiểm soát nếu không kịp thời can thiệp.
Quốc tế cũng đã vào cuộc nhằm cứu lấy Amazon, lá phổi xanh của địa cầu và là nơi cư ngụ của hàng vạn giống loài động thực vật quý hiếm.
Tại phiên họp ngày 23/9 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và những người đồng cấp của Chile và Colombia sẽ ra lời kêu gọi chung nhằm huy động nguồn lực đối phó cháy rừng ở Brazil.
Ngọc Linh (t/h)