Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tại Thanh Hóa - Bài 4: Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 15:04, 04/07/2024

Để hạn chế và xử lý dứt điểm những bất cập trong khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thanh Hóa đã chỉ rõ những nguyên nhân của vấn đề, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp xử lý thiết thực, quyết liệt,…

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề

Những năm gần đây, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, được tăng cường, các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển khoáng sản trái phép đã cơ bản được kiểm soát. Theo quan điểm của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa, các quy định của pháp luật đã quy định rất rõ trách nhiệm bảo vệ khoáng sản, đó là: Khoản 3 Điều 16 Luật khoáng sản năm 2010 quy định: UBND các cấp có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Tại Thông tư số 05/2021/TT-BTNMT ngày 29/5/2021 của Bộ TNMT quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở TNMT, Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND tỉnh thì Sở TNMT có nhiệm vụ đề xuất với UBND cấp tỉnh các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

anh-24.jpg
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở TNTM đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác như: Quyết định số 3014/QĐ-UBND ngày 17/9/2014 ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về khoáng sản; Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 về việc phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 về việc phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sống chưa khai thác; các Quy chế với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tỉnh giáp ranh. Trong đó quy định rõ việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã, riêng đối với cát, sỏi thì các huyện giáp ranh phải xây dựng quy chế phối hợp để quản lý, bảo vệ.

anh-28.jpg
Việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc về trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại một số nơi chưa tốt, chưa đồng bộ, kịp thời dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã còn hạn chế. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản còn hạn chế; Lực lượng cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản ở một số huyện và hầu hết các xã đều thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến việc tham mưu trong công tác quản lý hiệu quả chưa cao; Chính quyền một số huyện, xã chưa quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động khoáng sản.

anh-26.jpg
Việc chính quyền một số huyện, xã chưa quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều bất cập trong viêc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TNMT Thanh Hóa: “Để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nguyên nhân chính là do UBND cấp huyện, cấp xã. Còn đối với việc khai thác sai so với thiết kế, ngoài vị trí mốc giới trách nhiệm chính là của đơn vị được cấp phép, một phần trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý nhà nước như: Sở TNMT, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện nơi có mỏ được cấp, do chưa được kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời. Một số doanh nghiệp trình độ năng lực quản lý điều hành yếu; chưa chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường, an toàn lao động, không hiểu biết đầy đủ pháp luật. Nguyên nhân nữa là tỉnh Thanh Hóa có nhiều đồng bào sinh sống lâu đời, dễ bị lôi kéo để khai thác cát trái phép”

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Từ nguyên nhân kể trên, đại diện Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm thiểu những sai phạm trong lĩnh vực khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản. Cụ thể, tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có liên quan đến hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TNMT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu và cơ chế giám sát quyền lực của người đứng đầu trong từng khâu, từng công việc trong việc bảo vệ khoáng sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các mỏ khoáng sản đã đươc cấp phép, trong đó tập trung thực hiện chuyên đề đo đạc, xác định trữ lượng đã khai thác đối với một số đơn vị được cấp phép khai thác đất, đá, cát có dấu hiệu khai thác vượt công suất, trữ lượng được phép khai thác và khai thác không đúng thiết kế, khai thác vượt mốc giới. Từ kết quả thanh tra, kiểm tra, sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, yêu cầu các đơn vị phải khắc phục triệt để các vi phạm, dừng khai thác hoặc thu hồi Giấy phép nếu có vi phạm nghiêm trọng.

anh-29.jpg
Sẽ xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép

Tiếp tục xây dựng trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đấu gia quyền khai thác các mỏ khoáng sản, tập trung vào các mỏ đất san lấp, cát, đá xây dựng đã có trong Quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất của các huyện. Theo đó, trong năm 2024 sẽ tổ chức đấu giá từ 30 – 40 mỏ khoáng sản với trữ lượng khoảng 50 triệu m3 đất san lấp, 20 triệu m3 đá (một phần trữ lượng để sản xuất cát nghiền), 2 triệu m3 cát. Vì nhu cầu các vật liệu trên địa bàn tỉnh các năm tới là rất nhiều, do đó cần phải đẩy nhanh đấu giá để cấp phép khai thác, vừa để công khai, minh bạch, tăng thu ngân sách nhà nước, tránh tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu, hạn chế được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, phù hợp với các kết luân của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Đối với đồng bào sinh sống trên sông, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để giải quyết không để các hộ sinh sống trên sông, đến nay các huyện đã cơ bản hoàn thành việc cấp đất cho đồng bào sinh sống trên sông. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện đẩy nhanh tiến độ cấp đất ở cho các hộ dân.

anh-27.jpg
Muốn hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng TNKS thực sự trở thành thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa cần không ngừng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này

Để hoạt động khai thác khoáng sản đi nào nề nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, và thường xuyên tổ chức các đợt thanh, kiểm tra để phát hiện kịp thời các sai phạm; đồng thời, cần có những quy định rõ ràng, nghiêm khắc, để xử lý nghiêm người quản lý lẫn đối tượng bị quản lý trong lĩnh vực này, nếu để xảy ra sai phạm.

Nguyễn Trường