Mưa cực đoan làm gia tăng tỷ lệ tử vong của các bệnh về đường hô hấp
Y tế - Ngày đăng : 15:00, 10/07/2024
Cụ thể, trong một bài báo được đăng tải trên tạp chí Nature Sustainability, các nhà khoa học đã làm rõ sự liên quan giữa hiện tượng mưa cực đoan và sức khỏe hô hấp. Từ đó, rút ra mối liên hệ chặt chẽ, khi các loại mưa cực đoan đang diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy sự gia tăng tỷ lệ tử vong của các bệnh về đường hô hấp.
Các nhà nghiên cứu kiểm tra mối liên hệ giữa tỷ lệ tử vong do hô hấp và mưa cực đoan ở 30 thành phố trên khắp Đông Á và phát hiện lượng mưa với cường độ dự kiến, cứ 5 và 10 năm một lần, sẽ có liên quan đáng kể với nguy cơ tử vong do các bệnh về đường hô hấp tăng lên so với những ngày không có lượng mưa lớn. Mối liên hệ mạnh nhất với bệnh hen suyễn, tiếp theo là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên, không có mối liên quan đáng kể nào với bệnh viêm phổi.
Ở Nhật Bản, nghiên cứu được thực hiện tại các thành phố như: Sapporo, Sendai, Tokyo, Nagoya, Osaka, Kitakyushu và Fukuoka đã phát hiện, đối với những trận mưa với cường độ dự kiến cứ 5 năm một lần, có khoảng 3,08 - 5,38 ca tử vong do hô hấp trên 10.000 người từ năm 1980 đến năm 2020, nghiên cứu này không tính đến tác động của mưa lớn đối với sức khỏe hô hấp mà không gây tử vong.
Tác giả chính của nghiên cứu - Ông Cheng He - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại viện nghiên cứu y tế Helmholtz Munich cho biết, mối liên hệ đáng kể được tìm thấy giữa các đợt mưa cực đoan và tỷ lệ tử vong do hô hấp ở các thành phố này của Nhật Bản và ảnh hưởng của nó có thể kéo dài hơn 3 - 4 ngày.
Tương tự, khi tiến hành nghiên cứu tại các thành phố của Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, kết quả về tỷ lệ tử vong cũng được tìm thấy.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, nguy cơ tử vong do hô hấp đặc biệt rõ rệt đối với những người từ 65 tuổi trở lên, đây là mối lo ngại lớn đối với Nhật Bản.
Trong khi các nhà khoa học đã bắt đầu quan sát thấy mối liên quan giữa mưa cực đoan và sức khỏe hô hấp, thì cơ chế sinh học thực sự liên kết cả hai vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, một số lời giải thích đã được đưa ra như: do áp suất khí quyển giảm đột ngột; biến động nhiệt độ lớn trong ngày khi xảy ra lượng mưa cực lớn; sự trùng hợp của giông bão và lượng phấn hoa cao; ô nhiễm nước uống và thực phẩm; cũng như tình trạng mất điện làm gián đoạn việc sử dụng các thiết bị quan trọng như máy thở.
Cùng với đó, độ ẩm tăng cao cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc, cũng như làm co các mao mạch ở đường hô hấp trên. Trường hợp mưa nhỏ có thể làm giảm số lượng phấn hoa, thì mưa lớn có thể gây ra sự gia tăng bằng cách phá vỡ các khối phấn hoa thành các hạt nhỏ hơn, cho phép chúng phân tán. Sự hình thành của giông bão có thể cuốn các hạt lên mây và sau khi chúng hấp thụ nước, chúng phồng lên và vỡ tung.