Những điều cần biết về kiểm kê khí nhà kính

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 09:30, 11/07/2024

Để hướng tới một hành tinh xanh ít khí thải nhà kính, không biến đổi khí hậu và phát triển bền vững lâu dài, thế giới đang quyết tâm thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Kiểm kê khí nhà kính là gì?

Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi được xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Vì sao phải kiểm kê khí nhà kính?


Về bản chất, kiểm kê khí nhà kính là một công cụ rất quan trọng để giúp quản lý lượng khí nhà kính phát thải tại mỗi địa phương, quốc gia và trên toàn thế giới. Đây cũng là một trong những bước cơ bản để giảm thiểu lượng khí nhà kính gây hại cho bầu khí quyển của Trái đất, hướng tới mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng 0 trong tương lai. Trong bối cảnh Trái đất ngày càng nóng lên, gây ra biến đổi khí hậu bao gồm những đợt nắng nóng rực rửa, lũ lụt và hạn hán khắp nơi, hệ sinh thái biến đổi... thì việc kiểm kê khí nhà kính là hết sức quan trọng.

kiem-ke-khi-nha-kinh-scaled.jpg
Kết quả kiểm kê khí thải nhà kính là cơ sở để vận hành thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính

Kiểm kê khí nhà kính cũng là một bước khởi đầu để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia đặt chân vào thị trường tín chỉ carbon, đặc biệt là với những quốc gia còn chưa có thị trường carbon tự nguyện. Trên thị trường carbon tự nguyện, để đủ tiêu chuẩn bán thành công tín chỉ carbon, dự án kinh doanh tín chỉ carbon phải đạt được những tiêu chuẩn quốc tế về kiểm kê khí nhà kính.

Về phía doanh nghiệp, tổ chức, kiểm kê khí nhà kính còn giúp cải thiện hình ảnh và khả năng cạnh tranh. Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp hướng tới tiêu dùng bền vững, sản xuất xanh lại giữ được hình ảnh đẹp trong mắt người tiêu dùng.

06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính


1/ Lĩnh vực năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng, tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than, dầu, khí tự nhiên.

2/ Lĩnh vựa giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.

3/ Lĩnh vực xây dựng tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.

4/ Lĩnh vực các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.

5/ Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp.

6/ Lĩnh vực chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.

Phúc Minh