Khẩn cấp bảo vệ nguồn tài nguyên sông Mê Kông

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 01:00, 24/10/2019

Moitruong.net.vn – Theo Ủy hội sông Mê Kông, tài nguyên liên quan đến nước sông Mê Kông cần được bảo vệ khẩn cấp, lập kế hoạch và quản lý tốt hơn.

Báo cáo Hiện trạng Lưu vực (SOBR) 2018 của Ủy hội sông Mekong (MRC) được công bố hôm nay tại trụ sở MRC ở thủ đô Vientiane, Lào, các nước dọc sông Mekong đang phải đối mặt với một loạt thách thức, như sự thay đổi dòng chảy chính, giảm lượng phù sa, sự biến mất liên tục của các vùng đất ngập nước, suy giảm môi trường sống ven sông, áp lực ngày càng tăng đối với nghề đánh bắt cá và sự chia sẻ thông tin hạn chế về các cơ sở khai thác, sử dụng dòng chảy.

MRC khuyến cáo cần có cách tiếp cận khu vực chủ động hơn trong lập kế hoạch và quản lý lưu vực với cơ chế chia sẻ thông tin nâng cao, có hệ thống và giám sát dòng chảy phải được tiến hành để khẩn trương giải quyết những thách thức trên toàn lưu vực.

Ủy hội sông Mê Kông kêu gọi bảo vệ tài nguyên

“Chúng ta cần giải quyết những vấn đề này ngay bây giờ để giảm thiểu tác hại môi trường, bảo vệ các vùng đất ngập nước và môi trường sống ven sông còn lại trước khi chúng biến mất”, tiến sĩ An Pich Hatda, Giám đốc điều hành của Ban thư ký MRC, cho biết.

Theo báo cáo, các quốc gia lưu vực sông Mê Kông ngày càng tăng cường hợp tác để đối phó những thách thức này. Dù thách thức với sông Mekong gia tăng, điều kiện kinh tế chung trong lưu vực đang có những dấu hiệu tích cực với tăng trưởng kinh tế vững chắc, tỷ lệ đói nghèo giảm và năng suất lao động được cải thiện.

Báo cáo dài 226 trang này đánh giá các điều kiện trong lưu vực và các tác động, cả tích cực và tiêu cực, trong việc phát triển và sử dụng nước cùng các tài nguyên thiên nhiên liên quan. Nó cũng làm nổi bật các vấn đề quan trọng cũng như cơ hội phát triển mà các quốc gia thành viên có thể muốn đảm nhiệm.

SOBR được tổng hợp 5 năm một lần dựa trên sự kiện, số liệu, dữ liệu và thông tin có sẵn, bao gồm 5 khía cạnh quan trọng mà các nhà hoạch định, lập kế hoạch và quản lý lưu vực nên biết như điều kiện môi trường, xã hội, kinh tế, biến đổi khí hậu và hợp tác. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên báo cáo bao gồm đánh giá các điều kiện ở lưu vực thượng lưu sông Mekong.

Hồng Trang (T/h)

Hồng Trang (T/h)