Đốt rơm, rạ sau thu hoạch lúa - Bài 1: Những ảnh hưởng đến môi trường

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 14:49, 12/07/2024

Rơm rạ là phụ phẩm chính trong sản xuất lúa gạo, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, tiềm năng kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết rơm rạ bị người dân đốt bỏ ngay trên đồng ruộng, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm không khí từ việc đốt rơm rạ

Hiện nay, tại một số địa phương, nông dân vẫn giữ thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch lúa. Mặc dù, việc này giúp nông dân đỡ vất vả nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến cộng đồng, nhất là gây ô nhiễm không khí.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng 5 – 6, bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa, nhiều cánh đồng lại nghi ngút khói do việc đốt rơm rạ. Việc đốt rơm rạ một cách bừa bãi gây ra rất nhiều tác hại xấu tới môi trường như: ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của con người.

dot-rom-ra-2-.jpg
Việc đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng không những gây ra hậu quả có thể thấy trước mắt như ô nhiễm không khí và khói

Trong những lúc cao điểm của mùa gặt tại các tỉnh miền Bắc, khắp các ngả đường từ làng quê đến thành phố, cứ vào khoảng 4 - 5 giờ chiều lại được bao trùm bằng khói bụi do người dân tranh thủ đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch. Khói bụi, đặc biệt là thời điểm này trùng với những ngày nắng nóng oi bức ở miền Bắc đã khiến cho không khí càng ngột ngạt hơn.

Một trong các địa phương ở vùng trung tâm hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài phải kể đến Thủ đô Hà Nội, nhiều điểm đo quan trắc ô nhiễm vượt ngưỡng đỏ lên tới ngưỡng tím (chỉ số AQI vượt 200) là ngưỡng có hại cho sức khỏe. 

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay: "Việc đốt rơm, rạ ở ngoại thành Hà Nội hiện nay so với trước đây đã giảm, tuy nhiên, đâu dó vẫn còn một số hộ đốt rơm rạ sau thu hoạch khiến khói bốc lên từ những cánh đồng. Việc đốt rơm rạ đã gây ra những ảnh hưởng đối với môi trường không khí của Hà Nội khiến chất lượng cuộc sống của người dân không đảm bảo".

W_co-an.jpg
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng

Không chỉ riêng miền Bắc, các tỉnh thành phía Nam cũng trong tình trạng tương tự, thông thường, cứ hết vụ lúa đông xuân, nông dân ở nhiều địa phương thường đốt rơm, làm đất để chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo.

Việc đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng không những gây ra hậu quả có thể thấy trước mắt như ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, tồn tại bền vững trong môi trường.

Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông.

Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy những nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên.

Bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học cho thấy, bụi và khí thải từ đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, làm tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, đốt rơm rạ là quá trình đốt không kiểm soát và đốt không cháy hoàn toàn nên dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, PM 10, black cacbon, NOX... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân bản địa và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ.

Một số chuyên gia y tế khuyến cáo, khói rơm rạ cũng được cho là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh liên quan đến hô hấp như phổi tắc nghẽn mãn tích, hen suyễn,…

Ngoài ra, việc đốt rơm rạ và các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp sẽ làm phát sinh các khí CO, CO2, SO2, NO2…, làm gia tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gia tăng hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Rơm rạ khi đốt chưa khô hoàn toàn, tạo thành những đám khói bao trùm một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống chung quanh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hệ sinh thái và mất an toàn giao thông. Việc đốt rơm rạ làm phát sinh nhiều chất độc hại vào môi trường như các khí bụi PM10, PM2.5, BC (các-bon đen, muối than, bồ hóng), các tác nhân gây hiệu ứng nhà kính, các khí có thể tích tụ trong khí quyển gây ra tình trạng mưa axit, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) và nhiều thành phần khác.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất sản xuất nông nghiệp

Nhiều người cho rằng, việc đốt đồng nhằm tiêu diệt mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại mọc trên đồng ruộng, đồng thời tạo ra một lượng tro làm phân bón trở lại cho đất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp thì việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mang lại cho đồng ruộng.

dot-rom-ra-1-.jpg
Đốt đồng là một sự lãng phí do đã bỏ đi nguồn dinh dưỡng lớn có trong đất

Đốt đồng là một sự lãng phí do đã bỏ đi nguồn dinh dưỡng lớn có trong đất. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ trong rơm rạ do nhiệt độ cao đều biến thành các chất vô cơ, làm cho đất ruộng bị chai cứng. Hơn nữa, phần tro than sót lại chỉ có chút ít khoáng như phốt pho, kali, canxi và silic…không giúp ích mấy cho cây trồng. Cũng theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, làm đất biến chất, chai cứng hơn.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, 1 ha đất trồng lúa với năng suất bình quân là 5 tấn, thì sẽ lấy đi trong đất một lượng đạm khoảng 50 kg, lượng lân 25 kg, và lượng kali là 130 kg. Trong khi đó, trong rơm rạ có chứa đủ các chất dinh dưỡng. Cứ 1 tấn rơm rạ có khoảng 7 kg chất đạm, tương đương 15 kg phân urê, 1 – 1,5 kg lân, 25 – 27 kg phân kali, 65 – 70 kg silic và nhiều các chất trung và vi lượng khác…Khi đốt thành than thì chất đạm bay hết, chất lân cũng bị biến đổi, chỉ còn lại kali, canxi và một số chất trung và vi lượng. Trên 85% chất xơ chứa trong rơm rạ sau khi đốt chỉ còn lại chất Carbon (than). Số lượng chất xơ này lại rất quan trọng, đó là chất hữu cơ, trong quá trình phân giải sẽ tạo thành chất mùn.

Trong chất mùn có chứa các chất axit humic, axit fulvic, các humine là các chất dinh dưỡng rất tốt cho cây. Mùn làm cho đất tơi xốp, là chỉ tiêu rất quan trọng về độ phì nhiêu của đất, có nhiệm vụ giữ phân hóa học lại cho cây sử dụng dần; làm đất tơi xốp và cũng là thức ăn và nơi trú ngụ của các loại trùn đất, các vi sinh vật có lợi cho đất và cây; giúp đất giữ ẩm, giữ nước để kháng hạn, kháng rét cho cây. Khi đốt rơm rạ thì những mặt lợi này sẽ không còn. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi 1 lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa, thay vì trả lại cho đất thông qua việc xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ để bón trở lại cho đồng ruộng.

image-20240509151000-11.jpeg
Việc đốt đồng còn có tác hại lớn là tiêu diệt nhiều vi sinh vật đất có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa

Việc đốt đồng còn có tác hại lớn là tiêu diệt nhiều vi sinh vật đất có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa – một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến cho việc sản xuất lúa ngày càng trở nên khó khăn, chi phí cao, hiệu quả thấp.

Theo cứu của Trung tâm Live & Learn, sau khi thu hoạch, trữ lượng rơm rạ còn lại trên đồng có thể được đưa trở lại đất bằng cách chôn vùi xuống đất nhằm mục đích trả lại các chất dinh dưỡng có trong rơm rạ cho đất. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, việc kết hợp phân bón và rơm rạ chôn vùi trong đất có thể giúp lưu giữ một số chất dinh dưỡng như Ni-tơ (N), Phốt-pho (P), Ka-li (K) và Lưu huỳnh (S) cho cây lúa và tăng dự trữ dinh dưỡng cho đất. Rơm rạ được vùi trong đất ướt sẽ cố định tạm thời N và tăng lượng Metan (CH4) được giữ trong đất. Ngược lại, nếu rơm rạ bị loại bỏ khỏi đồng ruộng sẽ dẫn đến hiện tượng suy giảm và cạn kiệt K và Silic (Si) trong đất, còn việc đốt rơm rạ sẽ dẫn đến việc mất hầu hết hàm lượng các thành phần nói trên.

Lượng dinh dưỡng mất mát tuỳ thuộc vào cách thức đốt rơm rạ. Ở những vùng thu hoạch lúa đã được cơ giới hoá, hầu như tất cả rơm rạ để lại trên đồng và được đốt nhanh chóng tại chỗ, vì thế sự mất mát S, P và K nhỏ hơn. Một số nơi khác rơm rạ được để thành đống ở chỗ tuốt lúa và được đốt sau khi thu hoạch, vì thế tro không được rải đều trên đồng, nên gây ra sự mất mát khoáng chất rất lớn. Các nguyên tố K, Si, Canxi (Ca), Ma-giê (Mg) dễ bị rửa trôi từ đống tro. Hơn nữa, việc làm như vậy sẽ gây nên sự chuyển dịch dinh dưỡng trong đất rất lớn vì nơi quá thừa, nơi quá thiếu. Việc đốt rơm rạ gây ra ô nhiễm không khí và mất mát dinh dưỡng, nhưng lại là biện pháp giảm giá thành và giảm thiểu sâu bệnh hại.

Hàng năm lượng rơm, rạ tại Việt Nam thải ra khoảng 40-46 triệu tấn, chủ yếu được đốt tại đồng ruộng. Việc đốt lượng lớn rơm rạ không những không có lợi cho người nông dân mà còn có những hệ luỵ lâu dài cho ngành nông nghiệp nói chung, trong đó có nguồn tài nguyên khó phục hồi là đất và khí quyển. Vì vậy, người trồng lúa cần thay đổi tập quán sản xuất, nhất là trong cách xử lý rơm rạ sau mỗi vụ mùa, góp phần vào định hướng chung, định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Thái Bình