Lần đầu tiên ở Việt Nam có làn đường dành cho xe đạp trên vỉa hè
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 09:30, 17/07/2024
Ngày 15-7, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - dự án thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt là dự án đô thị xanh thành phố Huế) - cho biết đang hoàn thiện việc sơn, kẻ vạch đánh dấu làn đường dành riêng cho xe đạp trên vỉa hè ở khu vực đô thị mới của thành phố Huế.
Dự án đô thị xanh thành phố Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt năm 2016, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh làm chủ đầu tư.
Dự án bao gồm 10 gói thầu xây lắp, tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông, giảm ngập lụt, cải thiện vệ sinh môi trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo mỹ quan đô thị.
Điểm nhấn của Dự án đô thị xanh là làn đường dành riêng cho xe đạp trên vỉa hè kéo dài hàng km. Làn đường này được sơn màu xanh lá cây, viền màu vàng, có bề rộng khoảng 1m. Một số đoạn vỉa hè thuộc đường Võ Nguyên Giáp có đến 2 làn đường dành cho xe đạp được sơn xanh.
Hạng mục sơn vỉa hè làn xe đạp này có tổng kinh phí thực hiện khoảng 3 tỉ đồng, thuộc gói thầu số 26: Cây xanh, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng trung tâm khu đô Thị mới An Vân Dương.
Từ khi hệ thống vỉa hè thuộc các tuyến đường được nâng cấp, chỉnh trang và sơn xanh, hằng ngày có cả ngàn lượt người đạp xe, đi bộ trên những đoạn vỉa hè này để tập thể dục vào buổi sáng sớm và chiều tà.
Được biết, Dự án đô thị xanh hiện qua mốc hoàn thành theo hợp đồng thi công trước ngày 30/6, nhưng do vướng về mặt bằng, nên gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu xây lắp còn dang dở.
Trước đó, trong hội thảo “Tham vấn Kế hoạch tổng thể phát triển giao thông xe đạp thành phố Huế” diễn ra vào tháng 10/2023, tầm nhìn đến năm 2030, Huế sẽ là thành phố xe đạp đầu tiên của Việt Nam. Mục tiêu nhằm cải thiện môi trường giao thông, đảm bảo người dân và du khách ở mọi lứa tuổi có thể di chuyển an toàn, thoải mái và thuận lợi bằng xe đạp; chuyển đổi phương thức đi lại trong đô thị, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các phương tiện giao thông cơ giới cá nhân.