‘Đảo cát’ nổi giữa biển Cửa Đại thành bãi chắn sóng tự nhiên cho bờ biển Hội An
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 00:00, 10/10/2019
Ngày 9/10, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) cho biết: Sau hơn 5 tháng theo dõi biến động, các cơ quan chức năng xác định, đảo cát xuất hiện cách bờ biển thành phố Hội An hơn 2 km tiếp tục mở rộng dần về phía Bắc khoảng hơn 50 mét và chiều cao của đảo cát trên mặt nước biển hơn 1 mét.
Sự xuất hiện của đảo cát trên biển đã trở thành bãi chắn sóng tự nhiên cho bờ biển Hội An trước tình trạng sạt lở do sóng biển và triều cường gây ra. Theo đó, khu vực bờ biển phía Bắc thuộc phường Cửa Đại và phường Cẩm An đã giảm thiểu đáng kể tình trạng sạt lở hàng năm như trước đây.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai thực hiện việc đo vẽ bình đồ tổng thể khu vực Cửa Đại (trên diện tích 600ha). Trong đó, đảo cát lớn nổi giữa biển Hội An và một đảo cát nhỏ nằm gần bờ, bên trái cửa biển. (Ảnh: Tổng cục Phòng, chống thiên tai)
Tại khu vực các tuyến kè cứng bảo vệ bờ biển Cửa Đại trước đây bị sạt lở nặng ở phần chân kè, nay khu vực phía ngoài chân kè đã trở thành bãi cát. Nhờ vậy các tuyến kè cứng được bảo vệ tốt hơn trước sự tác động thường xuyên của sóng biển, nhất là trong mùa mưa bão, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết thêm.
Năm 2017, trước cửa hạ nguồn sông Thu Bồn nổi lên một cồn cát dài chừng 100m khiến dư luận xôn xao. Sau Tết Nguyên đán 2019, lại có thêm một cồn cát nổi giữa vùng biển Cửa Đại (cách cảng Cửa Đại khoảng 10 phút đi thuyền) kéo dài tới cả cây số với bề rộng khoảng 200m. Nhìn từ trên cao, trông nó như một hòn đảo nhỏ.
Trong chuyến khảo sát giữa năm 2019, Tổng cục Phòng chống thiên tai phát hiện ngoài cồn cát trên, khu vực trong bờ tiếp tục bồi và nổi lên một cồn cát nhỏ. Cồn cát mới nổi giữa biển này cách bờ tầm 230m, chiều dài khoảng 200m.
Theo các chuyên gia, có khả năng lượng đất, cát bị sạt lở ở phía bờ bắc biển Cửa Đại, lượng đất cát từ phía hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn bị sạt lở cuốn trôi ra biển, sau đó bị sóng biển đánh dạt trở lại và hình thành nên đảo cát này.
Hạnh An (t/h)