Tái canh cây cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu ở Sơn La
Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 21/07/2024
Mô hình này do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) triển khai từ năm 2023 với việc đào tạo nông dân và các hỗ trợ khác về sản xuất cà phê Arabica nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”. Trung tâm đã phối hợp với các địa phương khảo sát, lựa chọn 17 hộ thực hiện điểm trình diễn tái canh 10 ha cà phê bằng giống THA1; cấp 350.000 cây giống cà phê THA1, 1.000 cây mắc ca, gần 55 tấn phân hữu cơ vi sinh, 10 tấn vôi bột và thuốc xử lý nấm Trichoderma hỗ trợ các hộ trồng tái canh 25,7 ha cà phê xen cây mắc ca tại Thành phố, huyện Thuận Châu và Mai Sơn.
Không chỉ tập trung vào hỗ trợ vật tư, dự án chú trọng nâng cao năng lực cho người nông dân thông qua 32 lớp tập huấn với gần 1.300 lượt người tham gia. Các lớp tập huấn đa dạng nội dung: Phương pháp canh tác và quản lý sản xuất cà phê Arabica bền vững; kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến thức kinh tế trong sản xuất và kinh doanh cà phê... Qua đó, nông dân được trang bị kiến thức, kỹ năng toàn diện sản xuất cà phê bền vững, hiệu quả và có khả năng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu.
Tại thành phố Sơn La, dự án hỗ trợ xây dựng một mô hình trình diễn tái canh cà phê bằng giống THA1 và hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp cho 20 hộ dân tại xã Chiềng Cọ, Chiềng Ngần và phường Chiềng An, tổng diện tích 11 ha. Ông Lò Văn Nghĩa, tổ 4, phường Chiềng An, chia sẻ: Tôi được dự án hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật. Sau khi chuyển đổi 0,5ha cà phê sang giống THA1, nhận thấy cây phát triển tốt, không bị sâu bệnh và tỷ lệ sống đạt trên 80%.
Không chỉ dừng lại ở những mô hình được hỗ trợ, thành phố Sơn La đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia ghép cải tạo và tái canh cà phê bằng các giống mới có khả năng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu. Đến nay, Thành phố thực hiện ghép cải tạo, đốn trẻ hóa và tái canh trên 350 ha cà phê, bằng các giống THA1, TN6, TN7, TN9,... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.
Tại huyện Mai Sơn, dự án triển khai trồng mới và tái canh cà phê trên diện tích 5ha tại xã Chiềng Dong và Chiềng Mai, với sự tham gia của 16 hộ dân. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của huyện với hơn 8.500 ha. Việc tái canh cà phê được xem là hướng đi chiến lược, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Từ năm 2022, huyện tái canh, ghép cải tạo và đốn cải tạo hơn 580 ha cà phê, đạt hơn 25% kế hoạch đề ra đến năm 2025. Diện tích cà phê đạt các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, RA, VietGAP ngày càng tăng, khẳng định vị thế và chất lượng cà phê Mai Sơn.
Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đánh giá: Các mô hình trình diễn với giống cà phê mới THA1, cho thấy hiệu quả rõ rệt, với khả năng sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao và khả năng chống chịu sâu bệnh vượt trội. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, quản lý sản xuất và kinh doanh cà phê giúp nông dân thay đổi nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hướng tới nền sản xuất cà phê bền vững, hiệu quả.
Sau khi dự án kết thúc, nhận thức của người dân về canh tác cà phê bền vững đã có những thay đổi. Tiếp tục triển khai Kết luận số 863-KL/TU ngày 11/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cà phê ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia tái canh, ghép cải tạo và phát triển cà phê bền vững. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh đã tái canh, đốn trẻ hóa và ghép cải tạo hơn 1.344 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê đặc sản đạt trên 1.100 ha với sản lượng gần 1.000 tấn cà phê nhân. Đặc biệt, hơn 19.100 ha cà phê đã đạt chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như RA, 4C, khẳng định vị thế và chất lượng cà phê Sơn La trên thị trường.
Tái canh cà phê Arabica đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực, mở ra hướng đi mới cho ngành cà phê Sơn La. Để tiếp tục phát triển và đạt được mục tiêu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê đến năm 2030, tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô dự án, chú trọng chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho người nông dân.