Góc nhìn tuần qua: Không để tái diễn các vụ sạt lở đất kinh hoàng
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 20/07/2024
Vụ sạt lở xảy ra tại đường Quốc số 34 thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, khối lượng đất đá ước đạt tới 2000 m3 từ trên mái taluy dương đổ xuống đã vùi lấp 1 xe khách 16 chỗ khiến 11 người tử vong, 4 người bị thương. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ sạt lở đất kinh hoàng là do mưa lớn kéo dài.
Mưa lớn mở rộng ra các tỉnh ven biển và đồng bằng Bắc Bộ, tập trung nhiều tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình gây ngập úng vùng trũng và nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi. Đáng lưu ý, từ 18-20/7, sau khi mưa giảm ở đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có khả năng đón mưa lớn cục bộ trở lại, nhất là Hà Giang - tâm điểm mưa lớn và sạt lở đất thời gian qua. Trong tháng 5-6, khu vực vùng núi Bắc Bộ chịu hội tụ của hình thái gió đông nam từ khối không khí biển lấn vào và gió tây nam khu vực Thượng Lào di chuyển sang. Vì vậy, các đợt mưa lớn liên tục xuất hiện tại khu vực này, trọng tâm là Hà Giang với lượng mưa vượt trung bình nhiều năm, có thời điểm trong 12 tiếng đồng hồ, mưa tới nửa mét đã xuất hiện ở Tân Lập, Hà Giang.
Không chỉ Hà Giang mà các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái cũng trong tình trạng này, chỉ cần một kích hoạt nhỏ cũng có thể gây ra sạt lở đất nghiêm trọng. Vì vậy, các địa phương và người dân cần hết sức lưu ý và cảnh giác.
Những tin báo bất ngờ, thương tâm mới xảy ra khiến chúng ta không thể cầm lòng khi nhớ lại các vụ sạt lở đất đá cách đây bốn năm tại Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) làm 13 người chết và vụ sạt lở ở Hướng Hóa, Quảng Trị trong trận mưa lũ lịch sử của miền Trung khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 mất tích. Những thảm họa thiên tai làm nhiều nạn nhân tử vong là những bài học đau xót, nhắc các cơ quan hữu quan, chính quyền các cấp, người dân phải luôn luôn chủ động đề phòng, có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hạn chế thiệt hại.
Ngoài việc tuyên truyền, cảnh báo, di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm, hiện chúng ta đã có bản đồ đánh giá tình trạng sạt lở đất với tỉ lệ nhỏ hơn, dễ quan sát hơn các khu vực có nứt gãy địa chất, cảnh báo sạt lở. Các chuyên gia, đang xúc tiến xây dựng một “Bản đồ sạt lở” cho 37 tỉnh trung du và miền núi, trong đó có Hà Giang, Kon Tum, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái... là những nơi có nhiều vị trí nằm trong vùng có rủi ro cao. Đây là những cơ sở rất quan trọng, khoa học để chính quyền quyết định tổ chức di dân, cũng như việc cấp phép cho các công trình xây dựng bảo đảm an toàn.