Ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 14:36, 23/07/2024
Sáng nay (23/7), tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị Tri ân người có công với Cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Đến dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, trong dịp Tháng Bảy truyền thống lịch sử, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch kỷ niệm 77 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản phân công các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi, tặng quà và tham dự các hoạt động kỷ niệm; các địa phương đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng trong công tác chăm sóc người có công.
Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.
Về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, từ những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2013-2020, với hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; đồng thời, đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025, với dự kiến trên 162.000 hộ, kinh phí khoảng trên 7.000 tỷ đồng.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. 10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ, 2 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh" và thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.
Đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, cả nước đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ (trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ) và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn, do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất…
Những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc, ghi nhận những nỗ lực của Ngành LĐTBXH thời gian qua.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 với sự có mặt của trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước và chào đón 13 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 6 Mẹ Việt Nam anh hùng, 36 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, hơn 200 thương binh, trong đó có 22 thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 44 bệnh binh, 53 thân nhân liệt sĩ, các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu khác. Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự có 33 đại biểu người dân tộc thiểu số Bana, Chăm, Ê đê, Hrê, Jrai, Mường, Nùng, Paco, Ragiai, Tày, Thái…”.
“Chúng ta cảm động và vui mừng được đón tiếp bác Lê Quang A, năm nay tròn 100 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, đến từ tỉnh Hà Tĩnh, là cán bộ tiền khởi nghĩa, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám. Chúng ta biết ơn mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thạnh, sinh năm 1932 đến từ Bình Định. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Mẹ đã mất những người thân yêu, ruột thịt của mình, đó là chồng, con và chị gái là liệt sĩ. Chúng ta xúc động được gặp nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển năm xưa chiến đấu bên cây cầu Hàm Rồng lịch sử, với câu chuyện như huyền thoại về nữ dân quân chỉ nặng 42 kg vác 2 hòm đạn nặng 98 kg để tiếp đạn cho bộ đội, biểu tượng cho ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam. Năm 1967, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi chỉ mới 21 tuổi...”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Trong giai đoạn 2013-2020, với hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; đồng thời, đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025, với dự kiến trên 162.000 hộ, kinh phí khoảng trên 7.000 tỷ đồng.