Sóc Trăng khẩn trương ứng phó với thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:30, 26/07/2024
Huyện Cù Lao Dung có khoảng 360 kênh rạch lớn nhỏ, cùng với đó là tuyến đê Tả Hữu có chiều dài 80km, đê bao sông, đê bao biển dài gần 100 km. Hầu hết các khu vực đều là vùng đất yếu với cao trình tương đối thấp nên tình trạng sạt lở, vỡ đê xảy ra thường xuyên, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Với điều kiện địa hình còn nhiều hạn chế nên việc rà soát, xác định các điểm đê bao, bờ bao xung yếu để tiến hành gia cố rất được địa phương chú trọng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, bằng nguồn kinh phí được phân bổ từ tỉnh, huyện đã tiến hành triển khai 132 công trình nạo vét, bồi trúc, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Địa phương cũng đã vận dụng tốt nguồn lực sẵn có để thực hiện kè sinh học nhằm hạn chế sóng, gió xâm thực tác động vào thân đê. Tuy nhiên, qua khảo sát, toàn huyện hiện vẫn còn 45 điểm xung yếu cần phải thực hiện bằng cơ giới hóa trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế.
Ông Trần Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Đối với các điểm xung yếu ngang nhà dân và hộ có điều kiện, có nhân lực thì mình tuyên truyền, vận động để người dân tự gia cố. Riêng các điểm xung yếu cần nguồn lực đầu tư lớn, huyện phối hợp cùng các xã bố trí nguồn để khắc phục. Tuy nhiên, nguồn lực của huyện cũng còn giới hạn trong khi các điểm xung yếu này cần kinh phí đầu tư trên dưới 3 tỷ đồng. Do đó, rất mong Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quan tâm, tham mưu hỗ trợ cho huyện sớm gia cố những điểm này để phục vụ tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai. Còn đối với huyện, trong thời gian tới, trên cơ sở các phương án đã được triển khai, chúng tôi sẽ quán triệt tốt trong nội bộ cũng như thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, làm sao để công tác phòng, chống triều cường, phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao nhất”.
Thời điểm mưa bão, triều cường từ tháng 7 âm lịch cũng là giai đoạn đê biển Vĩnh Châu vào mùa “gánh sóng”. Thời gian qua, rất nhiều công trình, dự án đã được triển khai nhằm bảo vệ tuyến đê biển trọng yếu của tỉnh trước tác động từ thiên tai. Tiêu biểu như dự án kè ly tâm chống xói lở từ cống số 2 đến cống số 4 với chiều dài 2km trên địa bàn xã Lai Hòa; kè chống xói lở đoạn từ K39 đến K45 với chiều dài 1,5km trên địa bàn xã Vĩnh Hải. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục triển khai đoạn kè tiếp nối từ K39 - K45 về phía cầu Mỹ Thanh với chiều dài 6,425km. Cùng với các công trình đã triển khai, dự án khi hoàn thành sẽ tạo hành lang vững chắc trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống cộng đồng dân cư vùng ven biển. Đồng thời, gây bồi, tạo bãi để khôi phục và trồng mới rừng phòng hộ, tạo môi trường phát triển bền vững cho địa phương.
Ông Mai Quang Trường - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Tiến độ thi công hiện nay đạt khoảng 32%, đạt tiến độ so với hợp đồng. Chủ đầu tư hiện cũng đang yêu cầu đơn vị thi công bổ sung nhân sự, máy móc, vật tư để đẩy nhanh tiến độ thi công. Tranh thủ mùa nắng thuận lợi nhanh chóng sản xuất, vận chuyển cọc, đá hộc về công trình để chủ động tiến độ thi công. Công tác sản xuất cọc chủ yếu tại nhà máy nên về phía Ban cũng yêu cầu đơn vị giám sát kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất cọc tại nhà máy và tổ chức nghiệm thu cọc tại công trình trước khi thi công để đảm chất lượng công trình theo hồ sơ thiết kế được duyệt”.
Riêng ở lĩnh vực nông nghiệp, để đảm bảo an toàn thành quả sản xuất của bà con nông dân trong điều kiện mưa bão, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tiến hành khảo sát công tác vận hành hệ thống thủy lợi tại các địa phương thuộc địa bàn vùng trũng của tỉnh. Hiện nay, hệ thống cống thủy lợi do tỉnh quản lý theo phân cấp là 160 cống và hệ thống kênh cấp 1 là 65 tuyến, với tổng chiều dài hơn 1.000 km, cơ bản đảm bảo thực hiện kịp thời việc tiêu úng, thoát nước trong trường hợp mưa bão kéo dài. Nhiều giải pháp kết hợp vẫn đang được ngành tập trung triển khai nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro thiệt hại đến đời sống cũng như hoạt động sản xuất của người dân.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai cũng như giảm nhẹ ảnh hưởng do tác động của thiên tai. Tăng cường công tác dự báo, dự đoán nhằm thông tin kịp thời đến các địa phương và người dân để chủ động ứng phó hiệu quả. Ngành cũng đã phân công các cơ quan chuyên môn túc trực để cập nhập thường xuyên thông tin, diễn biến của tình hình thời tiết. Tăng cường hướng dẫn nông dân các giải pháp kỹ thuật và kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện mưa bão. Hiện nay, ngành đã tiến hành rà soát các điểm xung yếu, các bờ bao, đê bao để tiến hành duy tu, sửa chữa nhằm hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão”.
Có thể thấy, nhờ chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh Sóc Trăng trong những năm gần đây đạt nhiều kết quả tích cực với con số thiệt hại giảm dần theo từng năm. Công tác dự báo, cảnh báo có nhiều tiến bộ đã góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ rủi ro do thiên tai. Trên tinh thần “lấy phòng ngừa là chính”, tỉnh Sóc Trăng vẫn đang tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước diễn biến thời tiết cực đoan, góp phần chung tay cùng cả nước thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.