Hòn đảo không người ở đột nhiên ngập tràn rác chun cao su, xót xa khi biết sự thật đằng sau
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 03:00, 31/10/2019
Ngoài khơi vịnh Cornish (Anh Quốc), có một hòn đảo nằm tách biệt. Hòn đảo tên Muillon ấy không có người ở, cách rất xa khu dân cư, là nơi dùng để bảo tồn các quần thể chim biển. Nói cách khác, có thể nói đây là một hòn đảo hoang.
Các nhà bảo tồn thỉnh thoảng phải chèo thuyền kayak ra đảo để tiến hành khảo sát cuộc sống của các loài chim biển. Tuy nhiên, mới đây họ đã phát hiện điều lạ lùng – có rất nhiều dây chun nhiều màu sắc trên đảo.
Một phần nhỏ trong số hàng nghìn sợi dây chun và phần còn lại của lưới đánh cá màu xanh lá cây được các nhà bảo tồn chim biển tìm thấy trên đảo Mullion của Anh. Ảnh: PA.
Tại sao hàng nghìn dây thun cao su xuất hiện trên đảo chỉ dành cho chim biển ở Anh? Sau các cuộc điều tra, các nhà nghiên cứu chim của tổ chức West Cornwall Ringing Group và National Trust cho biết số dây chun xuất hiện do những con chim biển nhầm chúng là giun và tha về đây từ đất liền.
Những con mòng biển lớn lưng đen và mòng biển cá trích đã nhặt dây chun từ những cánh đồng hoa và mang chúng về đảo.
Một lượng lớn các dải thun cao su đã được tìm thấy trong phân chim lẫn cùng khối lượng thực phẩm khó tiêu như xương và lông mà một số loài chim thải ra. Trong số đó, có những sợi còn mới nhưng có sợi đã bạc màu, cũ kỹ. Vì thế, các chuyên gia hàng đầu suy đoán rằng những con chim đã ăn chúng trong nhiều thập kỷ.
Hòn đảo hiện là nhà của những con mòng biển lưng đen. Khoảng 70 tổ chim được xây lên trong mỗi mùa hè.
Theo thống kê của National Trust, việc các loài sinh vật biển ăn phải nhựa không phải là chuyện mới trên thế giới. Vài năm trở lại đây, rác nhựa chính là một phần nguyên nhân khiến số lượng hải âu lưng đen đã giảm tới 30%, mòng biển cá trích thì bị liệt vào danh sách nguy cấp.
Hạnh An (t/h)