Cuộc tái chế rác từ đỉnh Everest
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:00, 31/10/2019
Một nhóm du khách đang uống nước ở khách sạn 5 sao Kathmandu, không biết rằng chiếc cốc xanh trên tay họ là một cái chai đã bị các phượt thủ bỏ lại trên núi Everest.
Đây là một cách để khắc phục thiệt hại của hàng tấn rác thải, bao gồm cả can rỗng, chai đựng khí gas, các dụng cụ leo núi và rất nhiều vật dụng khác, bị vứt bỏ trên ngọn núi khiến nó trở thành “đống rác cao nhất thế giới.”
“Rác thải không phải luôn là rác thải”, Nabin Bikash Maharjan, một thành viên của tổ chức tái chế địa phương BW2V cho biết. “Chúng tôi nhận được các loại vật liệu thải khác nhau vứt lại trên Everest, nhôm, kính, nhựa, sắt,… rất nhiều trong số đó có thể tái chế được. Vì vậy, chúng tôi sẽ tái sử dụng và tăng giá trị cho chúng”.
Du khách dùng cốc tái chế từ rác trên đỉnh Everest trong một khách sạn ở Nepal. Ảnh: AFP.
Sau làn sóng chỉ trích nặng nề về tình trạng ô nhiễm của một trong những ngọn núi vĩ đại nhất thế giới, chính phủ Nepal và các nhóm leo núi đã tổ chức một cuộc dọn dẹp quy mô lớn kéo dài 6 tuần, trên chiều dài 8km từ căn cứ khu cắm trại đến trại gần với đỉnh núi nhất. 14 người đã thu nhặt được hơn 10 tấn rác, sau đó chỗ rác này đã được đưa tới trung tâm tái chế ở Kathmandu. Tại đây, các công nhân sẽ phân loại vât liệu, mỗi loại được tái chế theo một cách khách nhau: Nhôm đưa đến các công ty sản xuất dụng cụ, chai lọ nhựa sẽ được tái sử dụng thành các vật dụng gia đình.
Các sản phẩm tái chế từ rác trên đỉnh Everest hiện đang được sử dụng rất nhiều không chỉ tại các gia đình mà còn ở các nhà hàng, khách sạn cao cấp vì nó phù hợp với mục đích kinh doanh mà các khách sạn đang hướng tới đó là vì một môi trường thân thiện và bền vững.
Tuy nhiên, dự án dọn rác năm nay cũng chỉ là một phần trong số rác thải thực tế trên núi. Băng tan làm lộ ra lượng rác thải tích tụ trong nhiều năm của những người leo núi khiến thách thức với môi trường càng tăng lên. Sự kiện 11 người leo núi chết trong mùa leo núi năm nay ở Everest được cho là do chính phủ Nepal đã cấp tận 381 giấy phép leo núi dẫn tới tác nghẽn ở khu vực nút cổ chai dẫn lên đỉnh núi. Có những thi thể không thể mang xuống được mà phải bỏ lại trên núi. Nguồn nước chảy từ độ cao 8.484m từ đỉnh Himalaya bị ô nhiễm nặng do chất thải của con người và rác thải mà con người để lại.
Người dân địa phương lên tiếng chỉ trích những du khách đến đây để chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới. Có người bỏ ra đến 30.000 đôla nhưng lại không hề quan tâm đến dấu chân vô ý thức mà họ để lại phía sau. Sáu năm trước, Nepal đã công bố sẽ hoàn lại 4.000 đôla cho mỗi nhóm leo núi nếu họ mang xuống 8kg rác thải. Nhưng chỉ một nửa trong số này thực hiện cuộc vận động trên.
Minh Trang (T/h)