Gấu xám di chuyển lên vùng cao Bắc Cực vì biến đổi khí hậu
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 05:28, 19/12/2019
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng này do biến đổi khí hậu gây ra.
Một số gấu xám ở khu vực lân cận đang di chuyển xung quanh các cộng đồng trên lãnh nguyên băng giá của vùng cao Bắc Cực của Canada.
Ông Vernon Amos, Chủ tịch hội đồng Inuvialuit nói: “Gấu xám đang đi tìm vùng đất mới”.
Với khoảng 3.400 cư dân, thị trấn Inuvik là cộng đồng đông dân nhất trong Khu định cư Inuvialuit trải dài trên khoảng diện tích 100.000 km2.
Gấu xám Grizzlies từ lâu đã lang thang trong phần đất của bốn cộng đồng người Inuvialuit, bao gồm thị trấn Inuvik, nhưng chúng đang xuất hiện lần đầu tiên thêm về hướng bắc chung quanh hai cộng đồng xa hơn là Sachs Harbor và Ulukhaktok, ông Vernon Amos nói.
Ông Vernon Amos, 42 tuổi, lớn lên ở Sachs Harbor. Ông cho biết hệ sinh thái đã thay đổi đáng kể trong suốt cuộc đời mình. Trong khi mùa đóng băng trước đây thường bắt đầu vào tháng 8, năm nay nó xảy ra vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, sự cố này ngày càng phổ biến.
Mùa tan băng đang dài hơn nhiều. Các khu vực từng là lãnh nguyên hoặc cằn cỗi phần lớn hiện nay là đồng cỏ và có các loại thảm thực vật khác.
Phó giáo sư Doug Clark, Đại học Saskatchewan đang làm việc với người dân trong cộng đồng để ghi lại hình ảnh những con gấu.
Phó giáo sư Clark cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng ông đã lắp đặt bốn camera từ xa ở những khu vực mà người dân địa phương nói rằng họ đã phát hiện ra những con vật to lớn và phân phát thêm tám bẫy ảnh cho thợ săn và người dân địa phương cài đặt.
Quan sát sự di chuyển của những con gấu xám Grizzlies ở miền Bắc rất có ý nghĩa bởi vì chúng đang mở rộng quy mô hoạt động, ông nói. Chúng không chỉ mở rộng phạm vi ở lãnh thổ Canada.
Những con gấu xám đã mất môi trường sống đáng kể vì việc định cư của con người trên khắp Bắc Mỹ và chúng đang tiếp tục đấu tranh ở một số khu vực. Nhưng vài năm nay chúng đã mở rộng phạm vi về phía Bắc. Một khu vực nhìn thấy nhiều gấu xám Grizzlies là bờ biển phía Tây của Vịnh Hudson, bao gồm Công viên Quốc gia Wapusk gần Churchill, Man. Nơi đây nổi tiếng với gấu Bắc Cực đi lang thang. Gấu xám không chỉ di chuyển về phía Bắc, chúng cũng di chuyển cả về phía Đông và phía Nam.
Một con gấu xám Grizzly được nhìn thấy trên một cánh đồng. Bức ảnh được camera từ xa ở Công viên quốc gia Wapusk, Man ghi lại năm 2017. Công viên Wapusk là một trong nhiều khu vực mà nhà nghiên cứu Douglas Clark nói rằng những con gấu đang mở rộng phạm vi của chúng ở Canada
Động, thực vật di chuyển vì cả con người và biến đổi khí hậu
Một xu hướng lớn đang diễn ra và chúng ta không biết tại sao, ông Clark nói. Câu hỏi rõ ràng nhất là tại sao lại diễn ra bây giờ mà không sớm hơn? Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu đang đóng vai trò quan trọng, bên cạnh những thay đổi khác như phát triển tài nguyên.
Những con gấu không phải là loài duy nhất mở rộng phạm vi của chúng và Bắc Cực không phải là nơi duy nhất có khí hậu thay đổi.
Những thay đổi lớn nhất đang diễn ra trong môi trường đại dương và khu vực ven biển, ông Brian Starzomski, Giám đốc nghiên cứu môi trường tại Đại học Victoria cho biết. Các dòng sông băng tan chảy đang làm mát khí hậu ở vùng Đông Bắc Bắc Mỹ, trong khi một sự kiện nóng lên bất thường được biết đến với tên là The Blob đã đưa một số loài nhiệt đới như cá nóc đến tận vùng biển của British Columbia.
Trên đất liền, cháy rừng đang lớn hơn, nóng hơn và trên diện rộng. Núi cũng là một điểm nóng cho sự thay đổi, vì các loài thường di chuyển ở cả hai cực và hướng lên độ cao cao hơn.
Ông Starzomski cho rằng các loài có thể di chuyển dễ dàng như chim và côn trùng hy vọng sẽ tồn tại tốt hơn những loài trì trệ.
Điều đặc biệt quan tâm là thông rụng lá subalpine, một loại cây sống ở gần đỉnh núi ở BC và Alberta. Nó có thể sống tới 1.000 năm nhưng cũng phải mất gần 100 đến 200 năm để sinh sản.
Có lẽ nó không thể sinh sản đủ nhanh hoặc di chuyển hạt giống của nó đủ xa để đáp ứng nhanh với biến đổi khí hậu, ông nói.
Nhưng đổ lỗi tất cả cho biến đổi khí hậu là quá đơn giản. Con người đã thực hiện một “công việc tuyệt vời” bằng cách giới thiệu các loài xâm lấn đến các hệ sinh thái mới thông qua thương mại toàn cầu, gây ô nhiễm bầu không khí và đưa ra quyết định sử dụng đất phá hủy môi trường sống hoặc cắt đứt tuyến đường di cư, nhà nghiên cứu môi trường Brian Starzomski lên tiếng.
“Hiện tại có rất nhiều áp lực đối với thiên nhiên. Chúng tôi nói rất nhiều về biến đổi khí hậu, nhưng tất cả những điều này đều là do tác động của con người đến môi trường, ông Starzomski kết luận.
Hoài Anh (T/h)