Cấp thiết thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm ở Quảng Nam

Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 12:30, 30/07/2024

Việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam) nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình vừa yêu cầu UBND TP.Hội An khẩn trương hoàn thiện đề án để UBND tỉnh thông qua và sẵn sàng các điều kiện để vận hành khu bảo tồn được thông suốt.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp hội đồng thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm.

khu-bao-ton-thien-nhien-cu-lao-cham.jpg
Cù Lao Chàm có nhiều hệ sinh thái

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, Cù Lao Chàm có nhiều hệ sinh thái quan trọng, bao gồm hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, hệ sinh thái bờ triều - vùng đá… gắn kết hình thành hành lang đa dạng sinh học nối liền từ rừng xuống biển.

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy Cù Lao Chàm có hơn 1035 loài động, thực vật sinh sống trên đảo và 1.309 loài sinh vật biển. Trong đó, có rất nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo tồn.

Rừng tự nhiên trên các đảo tại Cù Lao Chàm không chỉ có vai trò cung cấp nguồn thực phẩm và nước ngọt cho người dân mà còn góp phần quan trọng về đảm bảo môi trường sinh thái và an ninh - quốc phòng. Để bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm là rất cấp thiết

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình yêu cầu UBND TP.Hội An quan tâm hơn đến yếu tố môi trường trong hoạt động của khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh tác động xấu của biến đổi khí hậu đến với đa dạng sinh học.

Hội An cần chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực để ứng phó một khi sự cố tràn dầu xảy ra; đầu tư lớn hơn cho công nghệ quan trắc bảo vệ môi trường. Cần có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng thiết thực; quan tâm bảo tồn các gen quý hiếm của các loài nguy cấp, nhất là yến sào để khai thác đem lại giá trị kinh tế lớn.

Cù Lao Chàm là một thực thể đặc sắc, hội tụ các yếu tố thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, sinh thái như rừng đặc dụng, rạn san hô, cỏ biển, khu hệ rong biển, hệ sinh thái bờ triều bãi đá, hệ sinh thái đồng ruộng.

Cù Lao Chàm có rừng, biển rất đặc trưng, lưu giữ nhiều nguồn gen quý hiếm và đại diện giá trị đa dạng sinh học của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, với sự phong phú, đa dạng sinh học, Cù Lao Chàm được Chính phủ, Bộ TN-MT đưa vào nhiều quy hoạch như quy hoạch mạng lưới khu bảo tồn biển; quy hoạch rừng đặc dụng; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; danh mục các khu bảo tồn với phân hạng là khu dự trữ thiên nhiên.

Đến nay, ngoài việc đã xây dựng khu bảo tồn biển thì việc thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa đầy đủ. Có hiện trạng là rừng đặc dụng Cù Lao Chàm vẫn chưa có chủ thể quản lý chính thức.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đáng nói hơn, nguy cơ phá vỡ liên kết sinh thái rừng - biển, suy giảm đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm đang hiện hữu.

Ông Nguyễn Thế Hùng nói, thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm nhằm cụ thể hóa những quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quản lý tổng hợp hệ sinh thái từ rừng, biển, vùng bờ - vùng biển để giải quyết những bất cập trong thực tiễn quản lý là rất cấp bách.

Cù Lao Chàm hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí thành lập khu dự trữ thiên nhiên hoặc vườn quốc gia theo Luật Đa dạng sinh học. Trong giai đoạn đến năm 2030, Cù Lao Chàm nên phân hạng là khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh. Trong thời kỳ quy hoạch tiếp theo cần đề xuất chuyển hạng thành vườn quốc gia.

Thùy Minh