Trong tháng Bảy, tại Kon Tum xảy ra hơn 80 trận động đất
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:15, 01/08/2024
Ngày 1/8, thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trong tháng 7/2024, cả nước tiếp tục xảy ra 83 trận động đất nhỏ có độ lớn từ 2.5 đến 5.0, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Trong số đó, trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra vào lúc 11 giờ 35 phút ngày 28/7 tại huyện Kon Plong ("điểm nóng" thường xuyên xảy ra động đất trên cả nước) được xác định là trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này. Trước đó, năm 2022, khu vực này ghi nhận t
Theo thông tin sơ bộ, trận động đất 5.0 trên đã gây một số thiệt hại về nhà ở, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong khu vực huyện Kon Plong, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất. Thậm chí, một số người dân ở các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng cho biết cũng cảm nhận được sự rung lắc - khả năng là do dư chấn của trận động đất này.
Ghi nhận của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho thấy trong số 83 trận động đất xảy ra trong tháng Bảy, có tới 82 trận xảy ra tại huyện Kon Plong. Trong đó riêng ngày 28/7 có tới 21 trận động đất; ngày 29/7 có 25 trận động đất.
Trận động đất còn lại xảy ra tại khu vực huyện Ngọc Lặc thuộc tỉnh Thanh Hoá vào ngày 21/7 với độ lớn 4.1.
Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 222 trận động đất nhỏ tại các tỉnh Kon Tum, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Yên Bái, Thanh Hóa, Điện Biên, Ninh Bình và Hà Nội. Trong đó khoảng 98% số trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plong của tỉnh Kon Tum.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, các trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plong trong thời gian qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn. Điều này liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho rằng, một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm khi nước ngấm đủ xuống bên dưới.
"Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Do đó cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình," Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo quy định về “quy chế phòng, chống động đất, sóng thần,” ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 222 trận động đất nhỏ tại các tỉnh Kon Tum, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Yên Bái, Thanh Hóa, Điện Biên, Ninh Bình và Hà Nội. Trong đó khoảng 98% số trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plong của tỉnh Kon Tum.