Hà Nội sẵn sàng ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 13:00, 02/08/2024
Chủ động xây dựng các phương án ứng phó sự cố tại chỗ
UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 2415/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương triển khai các phương án ứng phó kịp thời các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn thành phố. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn đôn đốc các đơn vị quản lý vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn và Khu xử lý rác thải Xuân Sơn thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại các bãi chôn lấp chất thải rắn, các hồ chứa nước rỉ rác trong mùa mưa bão.
Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương triển khai các phương án ứng phó kịp thời các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn thành phố.
Bộ Tư lệnh Thủ đô và Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị duy trì chế độ trực, nắm bắt tình hình về các sự cố môi trường trong mùa mưa bão; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó kịp thời các sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn thành phố.
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ động xây dựng các phương án ứng phó sự cố tại chỗ; xây dựng các biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát các hồ chứa nước thải, kho chứa chất thải, các bãi lưu giữ chất thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải; duy trì chế độ trực, báo cáo, chuẩn bị nguồn lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống...
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn chủ động, tích cực phòng ngừa, kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra; công khai thông tin về các sự cố có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; thực hiện ứng phó sự cố môi trường và huy động các nguồn lực tham gia ứng phó sự cố theo phương châm "4 tại chỗ" trên địa bàn.
Các đơn vị quản lý vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn và Khu xử lý rác thải Xuân Sơn kiểm tra, giám sát chặt chẽ các bãi lưu giữ, chôn lấp chất thải, các hồ chứa nước rỉ rác; chuẩn bị phương án, nguồn lực sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống nếu có sự cố xảy ra.
Sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai
Trước đó, để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra, Thành ủy Hà Nội đã đề nghị các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Trung ương và Thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai. Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội.
Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; hoàn thiện bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động và thực hiện thu, quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố Hà Nội bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung xây dựng, sớm hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Bên cạnh đó, quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước gắn với công tác phòng cháy, chữa cháy, phê duyệt đầu tư, trong suốt quá trình khai thác, vận hành, sử dụng, cấp điện, cấp nước các dự án, công trình...
Tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật, các chuyên đề kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy theo địa bàn, lĩnh vực quản lý. Gắn việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố"; thực hiện tốt công tác diễn tập nâng cao kỹ năng phòng, chống cháy, nổ.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, đưa các khái niệm đơn giản nhất đến người dân để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bứt phá về nhận thức, ý thức của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Chủ động hướng dẫn các địa bàn, cơ quan, đơn vị, cơ sở xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tình nguyện... đủ mạnh để xử lý kịp thời các sự cố, cháy, nổ xảy ra.
Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa sự cố, giảm nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Hướng dẫn, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện từng chỉ tiêu của từng chuyên đề, kế hoạch, trên cơ sở đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm hoặc không thực hiện chỉ đạo của Thành phố, trong đó tập trung vào một số chuyên đề, như: Xử lý các công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan tại các khu dân cư, các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trên đất không hợp pháp, đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê, lưới điện, rừng...
Trước đó, tại hội nghị giao ban quý II/2024 giữa Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai. Kịp thời đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, vướng mắc để TP. Hà Nội thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dự báo tình hình thời tiết, thủy văn có thể diễn biến phức tạp khó lường.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp, ngành luôn đề cao tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ, đập; không để xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước, ngập úng kéo dài và nỗ lực giảm thiểu thiệt hai do thiên tai, sự cố gây ra.
Thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, từ đầu năm 2024, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt tới các cấp, ngành nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện các chương trình, phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị; sẵn sàng với các tình huống có thể xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã rà soát, xây dựng phương án ứng
phó đối với năm trọng điểm xung yếu đê điều, phương án phòng, chống úng ngập
khu vực nội thành và tiêu úng khu vực ngoại thành, bảo đảm sinh hoạt, sản xuất
của người dân.
Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thiện việc kiện
toàn bộ máy chỉ huy, chỉ đạo và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm
cứu nạn. 100% xã, phường, thị trấn đã thực hiện kiện toàn tổ chức lực lượng
xung kích phòng, chống thiên tai với sự tham gia của trên 60.000 người, trong
đó nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ.
Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức hiệp đồng sử dụng lực lượng,
phương tiện làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các
đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, tổng quân số hiệp đồng hơn 10.730 đồng
chí và 303 phương tiện các loại.
Về công tác tiêu thoát nước nội thành, năm 2024 trên địa bàn
thành phố còn tồn tại 11 điểm úng ngập đối với các trận mưa có cường độ
50-70mm/h; 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường
trũng, thấp với những trận mưa đến 100mm/h trở lên gây quá tải cho hệ thống
thoát nước.
UBND thành phố đã ban hành kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống
úng ngập khu vực nội thành mùa mưa năm 2024. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã ban
hành phương án về phòng chống thiên tai trong công tác chống úng ngập nội
thành; phòng, chống cây đổ, cành gãy trên các tuyến đường đô thị; bảo đảm an
toàn chiếu sáng công cộng, cung cấp nước sạch trước, trong mùa mưa bão năm
2024…