Thái Lan: Thu hồi và hoãn lệnh cấm với 3 hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 06:00, 29/11/2019

Moitruong.net.vn – Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố hủy lệnh cấm đối với hoạt chất glyphosate và trì hoãn thời gian thực hiện lệnh cấm 2 hoạt chất paraquat và chlorpyrifos thêm 6 tháng, lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6/2020.

Quyết định này được đưa ra sau quá trình lấy ý kiến công chúng với khoảng 75% ý kiến phản đối lại các lệnh cấm này; đồng thời dựa trên qua trình xem xét của Hội đồng đánh giá về các tác động bất lợi có thể có từ lệnh cấm đối với nông dân, ngành công nghiệp hóa chất và thương mại quốc tế.

Các loại thuốc diệt cỏ paraquat, glyphosate và chlorpyrifos đang được người nông dân Thái Lan sử dụng rộng rãi. Trong đó, paraquat đã bị cấm ở 53 nước trên thế giới do những quan ngại về tác động sức khỏe. Hai chất còn lại chưa bị cấm nhưng cũng bị hạn chế sử dụng ở một số quốc gia.

Tháng trước, Hội đồng Quốc gia về Hóa chất có Nguy cơ (National Hazardous Substances Committee) của Thái Lan đã nhất chí với việc Chính Phủ cấm glyphosate, paraquat và chlorpyrifos, bắt đầu từ ngày 1/12/2019, nhấn mạnh đây là các “hóa chất gây hại”.

Hiệp hội này cho biết: Nếu lệnh cấm không được thực hiện, chất lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng bởi xu hướng sử dụng sản phẩm gạo an toàn, không hóa chất trên toàn cầu.

Chính phủ Mỹ cũng đã phản đối động thái cấm của Thái Lan đối với 3 loại chất hóa học này, đặc biệt là glyphosate, cho rằng điều này có thể gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng nông sản của Mỹ sang Thái Lan.

Thái Lan từng cấm thuốc diệt cỏ chứa 3 hoạt chất ảnh hưởng đến sức khỏe 

Sau khi xem xét lại, Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm đối với glyphosate, cho phép tiếp tục sử dụng trong giới hạn mức tồn dư cho phép (MRL) như hiện nay, và đẩy lùi quyết định cấm đối với paraquat và chlorpyrifos thêm 6 tháng, tức là lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6 năm sau.

Một tuyên bố được đưa ra từ Hội đồng Quốc gia về Hóa chất có Nguy cơ Thái Lan “Sau khi thảo luận về vấn đề quản lý các hóa chất có nguy cơ, chúng tôi thấy rằng chúng ta không thể quản lý được tình hình nếu lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 1 tháng 12”.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thái Lan, ông Suriya Juangroongruangkit phát biểu: “Chúng tôi thấy rằng quyết định cấm glyphosate có thể gây thiệt hại khoảng hàng trăm tỷ Baht và chúng tôi cũng không thể tiếp tục nhập khẩu đậu tương từ Mỹ và Brazil”.

Ông Charuk Sriputtachart, một đại diện nông dân, cho rằng “Lệnh cấm có thể dẫn đến việc khủng hoảng thiếu hụt thực phẩm trên toàn quốc và ảnh hưởng tiêu cực tới việc xuất khẩu nông sản của Thái Lan.

Cũng theo ông Charuk, lệnh cấm sẽ tác động tới khoảng 2 triệu nông hộ, khiến chi phí sản xuất tăng lên gấp 3 và làm giảm tổng sản sản lượng nông nghiệp khoảng 20–30%.

Chính phủ Thái Lan cho biết một lệnh cấm vội vàng có thể có chi phí rất cao vì cần tiêu hủy tới 23.000 tấn các loại hóa chất còn lại trên toàn quốc.

Ngành công nghiệp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguyên liệu thô do việc thiếu hụt các giải pháp thay thế cho việc nhập nguyên liệu có sử dụng các hóa chất này.

Ngọc Linh (t/h)

Ngọc Linh (t/h)