Dự báo mưa bão, áp thấp nhiệt đới trong tháng 8

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 04/08/2024

Trong tháng 8, chuyên gia dự báo tháng 8 có khả năng ít bão hoặc áp thấp nhiệt đới hơn mức trung bình nhiều năm: 2-3 cơn.
bao-nam-ngoai.jpeg
Hình ảnh vệ tinh của bão Doksuri năm 2023. Ảnh: RAMMB/CIRA/CSU

Nhiệt độ trung bình tăng

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình trên cả nước trong tháng 8 sẽ cao hơn 0,5 đến 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Dự báo nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng cường độ không quá gay gắt.

Trong thời kỳ dự báo khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có nhiều ngày mưa, trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Mưa dông tại các khu vực có thể kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Khu vực Bắc Bộ có tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%); tổng lượng mưa ở khu vực Trung Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.

Còn tại Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 5-10%.

Bão ít hơn mức trung bình nhiều năm

Chuyên gia dự báo tháng 8 có khả năng ít bão hoặc áp thấp nhiệt đới hơn mức trung bình nhiều năm: 2-3 cơn.

Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão hoặc áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông.

Mưa dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thời kỳ này tiếp tục xuất hiện nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Đến tháng 9, Việt Nam sẽ chịu tác động của La Nina, tình hình mưa bão ở các tỉnh miền Trung sẽ diễn biến rất phức tạp. Theo dự báo, trong điều kiện La Nina, Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 4 - 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời kỳ này là từ 4 - 5 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào Việt Nam khoảng 2 cơn).

Ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), nhận định hoạt động của bão và ATNĐ có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9 - tháng 11).

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho rằng do vừa trải qua giai đoạn El Nino từ năm 2023 nên nền nhiệt trên nước biển rất cao. Về mặt lý thuyết, nhiệt độ biển càng cao thì năng lượng hình thành dễ hơn, đây là yếu tố bất lợi tạo ra những cơn bão ngay trên Biển Đông.

Các nghiên cứu của cơ quan khí tượng thế giới đều cho rằng, năm nay sẽ xuất hiện nhiều bão mạnh (từ cấp 11 - 12 trở lên). Bởi nền nhiệt trên nước biển rất cao khiến bão dễ hình thành và hình thành trong điều kiện có La Nina nữa thì có thêm hệ thống xoáy.

"Đây là những căn cứ để chúng tôi đánh giá trạng thái bão năm nay ở mức xấu, bất ngờ, mạnh", ông Khiêm cho biết.

Thơ Hoàng