Thừa Thiên - Huế thực hiện trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 16:00, 05/08/2024
Nằm cuối hạ nguồn sông Hương, gần cửa biển Thuận An, xã Hương Phong là khu vực chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong nhiều năm qua, cùng với diện tích rừng nguyên sinh vốn có ở Rú Chá, thông qua nhiều dự án khác nhau, nhiều diện tích rừng ngập mặn ven phá đã được triển khai trồng ở địa phương này.
Chủ tịch UBND xã Hương Phong - Ông Nguyễn Văn Bổn thông tin, hiện trên địa bàn xã Hương Phong có hơn 20ha rừng ngập mặn thuộc khu vực Rú Chá. Trong đó, rừng nguyên sinh khoảng 3,6ha, còn lại là các diện tích trồng sau này thông qua các dự án. Toàn bộ diện tích này do UBND xã quản lý và sử dụng đảm bảo theo quy định pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, không có tình trạng lấn chiếm, chồng lấn, sử dụng sai mục đích… không đúng quy định pháp luật đối với đất rừng.
Ông Bổn cũng cho biết thêm, xác định vai trò quan trọng của Rú Chá đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai cũng như phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua, xã đã có nhiều chính sách bảo vệ, giữ gìn diện tích rừng vốn có và từng bước mở rộng diện tích Rú Chá đến nay lên hơn 20ha. Không chỉ có vai trò ứng phó thiên tai, chống BĐKH, rừng ngập mặn ở xã còn góp phần bảo vệ hàng trăm ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn sinh kế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế được bổ sung thực hiện hợp phần 2 về trồng rừng ngập mặn thuộc dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (Dự án GCF) tại xã Hương Phong, TP. Huế. Dự án đang được triển khai trồng mới với quy mô 22ha rừng ngập mặn (cây bần chua) tại địa bàn xã Hương Phong.
Ban QLDA GCF cho biết, do đặc thù đất ngập nước không có bãi bồi tự nhiên, cao độ mặt đất tự nhiên khu vực khảo sát có cao độ trung bình từ (-0,5 đến -1,5 m). Vì vậy, cần phải lên liếp, xây dựng kè mềm để tạo mặt bằng trồng rừng ngập mặn với tổng số 16 liếp. Diện tích trồng rừng được đắp bằng đất tại chỗ (tận dụng đất đào phía ngoài phá và tại vị trí hệ thống thủy đạo, đường lạch dọc ngang).
Loài cây trồng được lựa chọn là bần chua (Sonneratia caseolaris), là loài cây thân gỗ có sinh khối lớn, sinh trưởng nhanh, thân cây có khả năng phòng hộ ven biển tốt, chịu ngập tốt và là loài cây ngập mặn tiên phong ở khu vực cửa sông, nơi có môi trường nước lợ, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái của địa phương và đã được kiểm chứng phát triển tốt tại Hương Phong. Mật độ cây trồng 2.500 cây/ha dựa trên cơ sở điều kiện gây trồng tại khu vực dự án. Thời vụ trồng phù hợp từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm, có thể kéo dài đến tháng 7 hoặc tháng 8 tùy theo điều kiện thực tế.
Theo đánh giá của ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Phó Giám đốc Ban QLDA GCF, việc triển khai trồng rừng ngập mặn ở Hương Phong có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH. Những năm gần đây, rừng ngập mặn còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tại xã Hương Phong.
Việc thực hiện trồng mới 22ha rừng ngập mặn thuộc dự án GCF góp phần tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển. Đồng thời, góp phần hạn chế thiên tai, tiết kiệm được kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ hàng năm.
Theo Ban QLDA, do đặc thù đất ngập nước của Thừa Thiên Huế không có bãi bồi tự nhiên nên việc trồng rừng ngập mặn phải áp dụng giải pháp cơ giới để xây dựng kè mềm tạo bãi, lên liếp thể nền tạo mặt bằng trồng rừng ngập mặn, trong khi yêu cầu thời gian hoàn thành thi công trước tháng 6/2024 và hoàn tất việc giải ngân nguồn vốn ODA trước tháng 7/2024 là rất khó khăn. Vì vậy, tháng 6/2024, Ban QLDA đã có văn bản về việc xin gia hạn giải ngân của dự án GCF tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân địa phương còn hạn chế, nên công tác triển khai thực hiện dự án thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn. Các giải pháp thi công, yêu cầu kỹ thuật về trồng rừng ngập mặn khá nghiêm ngặt, thời gian làm việc phải phụ thuộc vào chế độ thủy triều, kỹ thuật trồng phải đảm bảo, công tác vận chuyển cây giống và các hạng mục khác cũng phải được chú trọng nên là thách thức không nhỏ đối với các công nhân trồng rừng.