Đồng Tháp chủ động ứng phó với thiên tai thời gian tới

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:30, 06/08/2024

Hiện đang vào mùa mưa, mực nước lũ trên các sông, rạch tại Đồng Tháp tiếp tục lên nhanh, nguy cơ cao xảy ra ngập úng và sạt lở đất. Địa phương đang lên phương án chủ động ứng phó với thiên tai thời gian tới.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ra công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Đồng thời tiếp tục tổ chức theo dõi chặt diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình, diễn biến thiên tai trên địa bàn.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị sác Sở, ngành trong tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND cấp huyện căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

Riêng Sở NN-PTNT, UBND tỉnh này yêu cầu phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp nhận truyền phát các tin cảnh báo về diễn biến khí tượng thủy văn, mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông và thời tiết nguy hiểm. Từ đó để các cấp, các ngành, nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời đến nơi an toàn.

ung-pho-voi-thien-tai.jpg
Ảnh minh họa

Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, chỉ đạo tổ chức bơm tiêu úng bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, hoa kiểng…; có kế hoạch sửa chữa, vận hành các trạm cấp nước tập trung nông thôn, đảm bảo chất lượng cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra ngập lụt kéo dài.

Chủ động theo dõi, tổ chức kiểm tra diễn biến sạt lở, kịp thời báo cáo tình hình, đề xuất các giải pháp xử lý sạt lở ở các địa phương theo quy định; phối hợp với địa phương xác định vành đai các khu vực sạt lở, làm cơ sở cho việc di dời dân đến nơi an toàn.

UBND huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương; tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo “phương châm bốn tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, xác định các vị trí xung yếu trên các tuyến đê bao, bờ bao; gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, trạm bơm còn thấp; kiểm tra khu vực bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở để cảnh báo, cắm biển báo và tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện nhất là tại các các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, khu vực đã xảy ra sạt lở và có nguy cơ xảy ra sạt lở... xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn như không mang theo phao cứu sinh, không mặc áo phao khi tham gia giao thông thủy, chở quá số người, tải trọng cho phép… Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn chủ quan.

Thùy Minh