Long An cảnh báo về tình trạng ô nhiễm cadimi
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 17:30, 06/08/2024
Ngày 5/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Nguyễn Minh Lâm, đã thông báo kết quả điều tra ô nhiễm cadimi (Cd) trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả điều tra, số mẫu đất bị ô nhiễm là 31/812 mẫu, chiếm 3,82% tổng số mẫu đất đánh giá, phân bố ở 10 huyện, thị xã, như: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Hoà, Mộc Hoá, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Kiến Tường. Trong đó, có 21 mẫu đất bị nhiễm Cd (Cadimi - được xếp vào nhóm kim loại nặng).
Bên cạnh đó, có 81/812 mẫu đất bị cận ô nhiễm, chiếm 9,98%. Trong đó có đến 48 mẫu đất cận ô nhiễm As (Asen), 31 mẫu đất cận ô nhiễm Cd. Địa phương có mẫu đất cận ô nhiễm nhiều như Cần Đước 23 mẫu, Châu Thành 11 mẫu, Tân Hưng 9 mẫu, Đức Hòa 8 mẫu, Bến Lức 6 mẫu…
Số mẫu nước bị ô nhiễm là 111/372 mẫu, chiếm 29,84% tổng số mẫu đánh giá, phân bổ ở các huyện: Cần Đước 18 mẫu, Cần Giuộc 15 mẫu, Tân Hưng 12 mẫu, Tân Thạnh 12 mẫu, Đức Hoà 11 mẫu… Trong đó ô nhiễm các chất hữu cơ chiếm tỉ lệ cao, như: BOD5 (90 mẫu), COD (89 mẫu), NH4 (64 mẫu).
Tổng hợp đánh giá đất theo nguồn gây ô nhiễm, cho thấy 42,29ha đất ô nhiễm và hơn 352ha đất cận ô nhiễm nằm trong các khu công nghiệp; hơn 40ha đất ô nhiễm và 201ha đất cận ô nhiễm nằm trong các cụm công nghiệp.
Nguồn ô nhiễm từ các nghĩa trang, nghĩa địa cũng khiến hơn 67ha đất ô nhiễm và hơn 133ha đất cận ô nhiễm. Các bãi rác, xử lý rác thải khiến hơn 79ha đất bị ô nhiễm và hơn 33ha đất cận ô nhiễm. Các cơ sở y tế cũng khiến hơn 30ha đất bị ô nhiễm, hơn 134ha đất cận ô nhiễm.
Các khu vực thâm canh cao, sản xuất sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khiến hơn 239ha đất bị ô nhiễm, hơn 318ha đất bị cận ô nhiễm. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản có đến hơn 600ha ô nhiễm, hơn 582ha cận ô nhiễm, trong đó chủ yếu là ô nhiễm và cận ô nhiễm kim loại nặng.
Đánh giá theo địa bàn cho thấy các huyện nằm ở hạ nguồn hoặc tập trung các khu, cụm công nghiệp có diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm cao hơn. Như Cần Đước có hơn 673ha, Đức Hòa hơn 376ha, Cần Giuộc hơn 306ha, Bến Lức hơn 275ha, Châu Thành hơn 229ha...
Ngoài ra, khu vực đất bị ảnh hưởng từ Công ty Thép Tây Nam, xã Long Sơn, huyện Cần Đước bị ô nhiễm Cu (kim loại đồng) và cận ô nhiễm As. Các khu vực cận ô nhiễm là khu vực cận Công ty TNHH Formosa Taffeta Việt Nam; khu vực cận Công ty TNHH CJ Vina Agri. Diện tích đất bị ô nhiễm là 15,46ha, cận ô nhiễm là 57,54ha. Đặc biệt, cảnh báo ô nhiễm đối với các khu vực lân cận khu vực KCN Đức Hoà 1, Chỉnh trang Đức Hòa Hạ, KCN Lê Long bị ô nhiễm 11,66ha), khu vực KCN Tân Đức, Hải Sơn, Tân Đô (bị ô nhiễm 30,63ha).
Đối với nguồn gây ô nhiễm là các cơ sở y tế: Các khu vực cảnh báo ô nhiễm bao gồm khu vực Bệnh viện Xuyên Á (4,07ha), khu vực Bệnh viện đa khoa Mộc Hóa (11,03ha), khu vực Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đồng Tháp Mười (15,02 ha). Các khu vực cảnh báo cận ô nhiễm là Bệnh viện huyện Bền Lức (2,12ha), Bệnh viện Cần Đước (2,32ha), Bệnh viện Châu Thành (13,48ha), Bệnh viện đa khoa Tân Trụ (13,38ha), Bệnh viện đa khoa Thạnh Hóa (8,03ha), Bệnh viện đa khoa Thủ Thừa (11,06ha), Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An và bệnh viện tâm thần (36,43ha).
Đối với nguồn gây ô nhiễm là bãi chứa rác thải, khu xử lý rác thải: Các khu vực cảnh báo ô nhiễm bao gồm: Khu vực Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa có 11,4ha ô nhiễm và 8,61ha cận ô nhiễm; khu vực bãi rác Long Hòa ô nhiễm 21,75ha, cận ô nhiễm 19,32ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhận định, tình trạng ô nhiễm đất và nước ở Long An đang là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và môi trường sống. Ông Nguyễn Minh Lâm cũng cho biết, hiện đang yêu cầu các ngành chức năng địa phương phải khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm.
Cùng với đó, ông Lâm cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích người dân bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững.