Kon Tum: Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 05:52, 08/08/2024
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công thương có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ bao gồm: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Công thương địa phương, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Dầu khí và Than, Văn phòng Bộ...
Về phía tỉnh Kon Tum có ông Dương Văn Trang – Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, ông Lê Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cùng đại diện các Sở, ban ngành địa phương.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn đã nêu những khó khăn và thuận lợi trong các năm qua, tổng kết các chỉ số về tốc độ tăng trưởng, tình hình hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị góp phần phát huy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, Kon Tum là một tỉnh miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh – quốc phòng; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và có bản sắc văn hóa đặc trưng lâu đời của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum nằm trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia nên rất có thế mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực về: Giao thương hàng hóa, dịch vụ Logistics, kinh tế biên mậu, nông nghiệp giá trị cao gắn với các sản phẩm đặc thù; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; năng lượng tái tạo.
Nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và định hướng phát triển ngành công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Kon Tum chú trọng 5 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cùng những năm tiếp theo. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm trên địa bàn.
Thứ hai, chủ động rà soát, trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tỉnh, đảm bảo phù hợp, liên thông với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các Quy hoạch ngành quốc gia. Rà soát, bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, động lực tăng trưởng mới.
Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được quy hoạch 44 dự án nguồn điện; 5MW điện sinh khối; 7MW điện mặt trời mái nhà; 16 dự án lưới điện; 17 điểm mỏ khoáng sản. Quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho Quy hoạch năng lượng và khoáng sản, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực và đưa các dự án vào vận hành theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến nông – lâm sản, dược liệu. Chú trọng phát triển năng lượng sạch và công nghiệp hỗ trợ gắn với lợi thế có sẵn của địa phương để phục vụ các ngành công nghiệp thuộc các lĩnh vực như: cao su, linh kiện, dạ dày... Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic và các lĩnh vực có tính kết nối trong chuỗi giá trị với các tỉnh, thành phố lân cận. Có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây chuyền sản và phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh nhằm từng bước phát triển các ngành công nghiệp hiện đại và có tính nền tảng. Phát huy thế mạnh rừng và sản xuất nông nghiệp xanh của tỉnh.
Thứ năm, đề nghị tỉnh chú trọng rà soát Quy hoạch vùng trồng, nuôi, áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất đạt chuẩn để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới; quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp và tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.