Hoài Đức (Hà Nội) - Bài 4: Dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch (Hinode Royal Park) bị yêu cầu phải lập Giấy phép môi trường theo quy định
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 23:11, 09/08/2024
Kiểm tra xong, 04 tháng sau mới báo cáo – Liệu kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thật sự khách quan và mang tính thời sự?
Thời gian qua, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có một số bài viết thông tin về việc trong quá trình thi công một số hạng mục của Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch (Hinode Royal Park) tại ô đất BT14 và MN3 với diện tích khoảng 13.000m2 chủ đầu tư có dấu hiệu không sử dụng đất, cát theo đúng tiêu chuẩn để san lấp mặt bằng mà thay vào đó, có dấu hiệu sử dụng đất thải, chất thải xây dựng, phế thải, rác thải để san lấp mặt bằng và khai thác hàng loạt giếng khoan phục vụ công nhân ăn ở và thi công dự án, đưa dự án đi vào hoạt động có dấu hiệu chưa có giấy phép môi trường.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, ngày 16/01/2024, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống có công văn số 03-24/CV-MTCS gửi UBND TP. Hà Nội để làm việc về công tác kiểm tra, xử lý những vấn đề báo chí thông tin về Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch.
Theo đó, ngày 01/02/2024, UBND TP. Hà Nội có văn bản số 352/UBND-TTĐT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức về việc cung cấp thông tin cho Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống.
Mặc dù, báo chí thông tin phản ánh từ ngày 15/01/2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội từ ngày 01/02/2024 tới Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng đến ngày 27/3/2024, Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mới đi kiểm tra tại dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Và một điều lạ là sau gần 04 tháng đi kiểm tra thì đến ngày 22/7/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng mới có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước trong quá trình thi công xây dựng của dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch gửi tới UBND TP. Hà Nội. Vì sao lại có sự “chậm trễ” trọng việc báo cáo kết quả kiểm tra với UBND thành phố như vậy?
Khoản 1 Điều 38 Cung cấp thông tin cho báo chí:
Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
Khoản 1 Điều 39 Trả lời trên báo chí:
Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
Tại văn bản số 6530/STNMT-CCBVMT của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội báo cáo UBND thành phố có nêu: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Văn bản số 352/UBND- TTĐT ngày 01/02/2024 về việc cung cấp thông tin cho Tạp chí Môi trường và Cuộc sống về việc thực hiện các quy định về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước trong quá trình thi công xây dựng tại Dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch do Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng làm chủ đầu tư.
Ngày 27/3/2024, Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã kiểm tra tại dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Trong báo cáo kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội gửi UBND thành phố có nêu một số nội dung như sau:
- Về môi trường nước và nước thải:
- Nước máy khoảng 15 m3/ngày; Nước mặt: Không sử dụng; Nước giếng khoan: Không sử dụng.
- Tại thời điểm kiểm tra, theo Báo cáo số 35/BC-TMXD ngày 26/3/2024 của Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng, các giếng khoan tại các khu vực LK3, LK4, và BT15 đã được trám lấp (theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra do UBND huyện Hoài Đức chủ trì kiểm tra ngày 23/01/2024).
+ Nước thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực lán trại của công nhân khoảng 3,5 m3/ngày, đêm được xử lý qua bể tự hoại đặt cạnh khu vực lán trại.
- Nước thải sinh hoạt được xử lý qua các bể tự hoại (theo đúng báo cáo ĐTM được duyệt) trước khi thải ra môi trường.
Nội dung báo cáo có yêu cầu đối với Tổng Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý chất thải tại cơ sở, trong đó bao gồm:
- Tiếp tục thực hiện các yêu cầu tại Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, các cam kết tại báo cáo ĐTM và các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường.
- Vận hành thường xuyên, liên tục các công trình xử lý chất thải, đảm bảo chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đã cam kết.
- Thực hiện lập Giấy phép môi trường theo quy định
- Thực hiện việc quản lý chất thải thông thường theo quy định
Đặc biệt, trong báo cáo có nêu: Công trình Trạm xử lý nước thải: đang thực hiện xây dựng Trạm xử lý nước thải giai đoạn 1 với công suất 5.000 m3/ngày, đêm, dự kiến hoàn thành trong Quý III, 2024. Toàn bộ công trình Trạm xử lý nước thải với công suất 20.000 m3/ngày, đêm sẽ được hoàn thành vào Quý IV, 2027. Và hiện tại, Dự án chưa bàn giao cho khách hàng. Chủ đầu tư cần thực hiện lập Giấy phép môi trường theo quy định.
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020 quy định: Dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Moitruong.net.vn, hiện nay, tại khu vực shophouse, nhà liền kề của Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch một số căn đã đi vào hoạt động, kinh doanh.
Vậy, vì sao vừa qua đoàn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đi kiểm tra lại không phát hiện những tồn tại trên và có báo cáo với UBND thành phố là hiện tại dự án chưa bàn giao cho khách hàng?
Mới đây, ngày 17/7/2024, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành quyết định số 3710/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy đối với Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - WTO với số tiền 80 triệu đồng.
Trước việc một số căn liền kề đã được đưa vào hoạt động, kinh doanh dịch vụ như: Nhà hàng Trâu tươi Đại Phong, quán café, trường mầm non tư thục, các văn phòng giao dịch bất động sản, một số hộ dân về ở,….. Vậy, nước thải sinh hoạt của các đơn vị này sẽ được xử lý như thế nào khi dự án này chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải?
Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 3, điều 14 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
......
3. Đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án đầu tư, cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khi triển khai xây dựng hoặc vận hành chính thức có vi phạm về bảo vệ môi trường, bị xử phạt như sau:
c) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường theo quy định;
Hàng loạt giếng khoan tại dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch được khai thác “dùng chùa”
Mặc dù, kết quả kiểm tra và báo cáo Thành phố của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch (Hinode Royal Park) là không sử dụng giếng khoan và các giếng khoan tại các khu vực LK3, LK4, và BT15 đã được trám lấp (theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra do UBND huyện Hoài Đức chủ trì kiểm tra ngày 23/01/2024). Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình triển khai dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch lại tiếp tục khai thác hàng loạt các giếng khoan có dấu hiệu không phép.
Theo ghi nhận của PV Moitruong.net.vn vào các ngày 8/8/2024 và 9/8/2024, tại dự án có 05 giếng khoan có dấu hiệu không phép tại các lô đất sau: Lô đất LK07 và khu vực lán trại công nhân sau lô đất LK05 (thuộc địa phận xã Kim Chung); lô đất LK32, khu đất đối diện LK34, khu đất mặt sau khu LK đối diện LK26 (thuộc địa phận xã Di Trạch). Các giếng khoan tại đây được sử dụng để phục vụ công nhân tắm giặt, sinh hoạt và thi công dự án.
Và theo biên bản làm việc với PV của cán bộ Địa chính – Môi trường UBND xã Di Trạch vào ngày 9/8/2024 có nêu: Qua rà soát và kiểm tra xác suất 3 khu vực trong dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch có ghi nhận 03 giếng tự phát (có hình ảnh).
Vậy, việc tồn tại hàng loạt giếng khoan tại Dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch đang có dấu hiệu vi phạm Luật Tài nguyên nước.
Căn cứ theo quy định tại điểm c, d, đ, khoản 2, Điều 9 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản như sau:
"Điều 9. Hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định
2. Phạt tiền đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép, cụ thể như sau:
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 03 giếng khoan;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 04 giếng khoan;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm từ 05 giếng khoan trở lên.
...
16. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước."
Các quy định của luật đã rõ là vậy, nhưng không hiểu sao các giếng khoan tại các khu vực LK3, LK4, và BT15 mà báo chí thông tin phản ánh nhưng chủ đầu tư chỉ phải trám lấp theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra do UBND huyện Hoài Đức chủ trì kiểm tra ngày 23/01/2024 (theo Báo cáo số 35/BC-TMXD ngày 26/3/2024 của Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng) mà không bị áp dụng bất cứ hình thức xử phạt nào theo quy định của Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Các chuyên gia về môi trường, địa chất đã cảnh báo rằng việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm mà không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. Quá trình khai thác nước ngầm sẽ tạo ra các “phễu”, hạ thấp mực nước cục bộ tại nơi khai thác. Các “phễu” này sẽ phát triển to ra khi lưu lượng khai thác vượt quá sự bổ cập nước cho đất, gây nên hiện tượng hạ thấp mực nước trên vùng rộng lớn, từ đó kéo theo hiện tượng sụt lún mặt đất và suy giảm chất lượng nguồn nước.
Ngoài ra, theo ghi nhận của PV, hiện nay, các lán trại trong khu vực dự án, nước thải, rác thải trong quá trình ăn uống sinh hoạt của công nhân không được thu gom, xử lý đúng quy định mà xả thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi khó chịu, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh và ảnh hưởng đến môi trường.
Nguy hiểm hơn, tại những khu bếp nấu ăn trong công trường là những bình gas, bếp gas với những đường dây điện được đấu nối chằng chịt như mạng nhện, giăng khắp nơi. Điều này dễ dẫn đến tình trạng chập điện, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào?.
Trước những dấu hiệu đang tồn tại về Giấy phép môi trường, khai thác nước giếng khoan, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch (Hinode Royal Park), kính đề nghị Thành ủy, UBND TP. Hà Nội nhanh chóng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hoài Đức nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh những vi phạm (nếu có) để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật.
Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin.