[Góc nhìn tuần qua]: Tháng 7 mưa lớn lịch sử tại miền Bắc
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 10/08/2024
Tháng 7 vừa qua là tháng mưa nhiều lịch sử ở miền Bắc. Hàng loạt các trạm đo mưa như Chi Nê tại Hòa Bình, Phố Ràng thuộc Lào Cai; Hoài Đức ở Hà Nội, Hưng Yên và Ninh Bình mưa đặc biệt lớn từ 379 - 685mm. Ở Bãi Cháy - Quảng Ninh, Cò Nòi - Sơn La và thành phố Sơn La, lượng mưa năm nay không chỉ là lịch sử của riêng tháng 7, mà còn là kỷ lục tháng mưa nhiều nhất từ trước đến nay.
Tính riêng trong tháng 7, mưa lũ cũng tàn phá một loạt các tỉnh thành như Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Yên Bái và TP. Hà Nội. Số người thiệt mạng do mưa lũ đã hơn 50 người, hàng nghìn nhà dân hư hỏng, hàng loạt tuyến đường trọng điểm bị sạt lở. Hơn 40.000 ha lúa, hoa màu và hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị thiệt hại nặng nề.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai với 636 trận thiên tai khiến hơn 110 người thiệt mạng và mất tích. Đây cũng là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Sau một năm đẩy nhiệt độ toàn cầu lên những kỷ lục mới, đợt El Nino 2023 - 2024 đã chính thức kết thúc và một kiểu thời tiết đối nghịch là La Nina dự kiến sẽ xuất hiện vào những tháng cuối năm 2024. Sự chuyển dịch hiện tại sang La Nina có thể khiến mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 trở nên tồi tệ hơn. Nhiệt độ đại dương ở đó đã ấm lên, điều này có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của các cơn bão.
La Nina thường gây mưa nhiều hơn bình thường, đặc biệt khu vực miền Trung, tuy nhiên thời tiết không phải năm nào cũng hoàn toàn giống với năm nào vì mưa còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau về mặt hình thái ngắn hạn của thời tiết.
Trước mắt từ nay đến hết tháng 9 là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên các đợt mưa lớn vẫn là điều phải đối mặt, hệ quả nguy cơ gắn liền là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi cần phải cảnh giác ở mức cao. Đặc biệt là vùng núi phía Bắc tiếp tục mưa lớn, trong khi đất đá đều đã bão hòa nước, nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét xảy ra trên diện rộng.
Dự báo xa hơn trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024 với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa, bão ở Trung Bộ nên khả năng diễn biến bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.
Do vậy để tiếp tục phòng, chống đồng thời khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 4/8 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới; trong đó tập trung vào việc tiếp tục chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.