Thanh Hóa kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:27, 12/08/2024

Trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh, liên tiếp đón các “đại bàng” về “làm tổ”, những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong vấn đề bảo vệ môi trường là rất đáng ghi nhận…

Mạnh tay với các dự án gây ô nhiễm môi trường

Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi lợn đã trở thành chủ đề “nóng” gây bức xúc dư luận ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đáng nói, đây đều là những dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao, có quy mô lớn, đã được cấp ngành chức năng thẩm duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đầu tiên phải nhắc đến vấn đề xử lý môi trường thiếu trách nhiệm trong quá trình chăn nuôi của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina, tại xã Tân Phúc (Lang Chánh); khi đơn vị hết lần này đến lần khác vi phạm lời cam kết, gây ô nhiễm môi trường. Dù đã có nhiều đoàn kiểm tra lập biên bản, xử phạt nhưng những vi phạm trên vẫn không được xử lý triệt để, dẫn tới việc tụ tập đông người phản đối, gây mất trật tự.

anh-2.jpg
Trang trại lợn tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa

Tiếp đến, là trường hợp của trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt, đóng tại xã Bãi Trành (huyện Như Xuân, Thanh Hóa). Theo người dân các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, Nghĩa Hồng, Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) thì nguồn nước ở Khe Sào, suối Tổng Kho bị ô nhiễm nghiêm trọng kể từ khi trang trại lợn trên đi vào hoạt động. Vấn đề ô nhiễm môi trường kéo dài đã trở thành tâm điểm gây bức xúc, dẫn tới tình trạng người dân tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương.

anh-1.jpg
Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Cổ phần Tâm Việt

Với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, ngay từ khi 2 đơn vị kể trên gây nên những vấn đề tiêu cực cho môi trường, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã có sự vào cuộc kịp thời, sát sao và trách nhiệm. Cụ thể, đối với trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina, ngay thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động, tình trạng hôi thối đã được bà con kiến nghị, phản ánh nhiều lần. Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Thanh Hóa, đã vào cuộc, xử phạt 2 lần với số tiền 95 triệu đồng. Tuy nhiên, dù đã nhiều lần kiểm tra, chỉ đạo xử lý, thế nhưng việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây không triệt để, khiến người dân bức xúc, tập trung đông người. Để giải quyết dứt điểm, chiều 2/7/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cùng đại diện các sở, ngành kiểm tra thực tế khu vực trang trại nuôi lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina. Sau buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã chỉ đạo việc đình chỉ hoạt động của trang trại chăn nuôi lợn từ ngày 30/7/2024 để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu vấn đề môi trường không được xử lý dứt điểm, kiên quyết không cho hoạt động trở lại, thậm chí chấm dứt vĩnh viễn.

Với trường hợp của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt, sau khi nhận được thông tin của người dân và báo chí, Sở TNMT Thanh Hóa, đã có Văn bản số 6402/STNMT-BVMT về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin tình trạng ô nhiễm môi trường tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt (đóng tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân). Theo kết quả phân tích, Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với trang trại này do đã có các hành vi vi phạm như: Xả nước thải (thông qua việc thẩm thấu từ ao chứa nước thải ra ngoài môi trường) có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thực hiện không đúng một trong các nội dung của Giấy phép môi trường số 163/GP-UBND, ngày 23/11/2023 đã được UBND tỉnh cấp, với tổng số tiền xử phạt là 120.363.454 đồng. Yêu cầu Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt bơm hút toàn bộ nước sau xử lý tại hồ chứa nước về hệ thống xử lý nước thải để xử lý lại, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn. Tiến hành gia cố thành đáy hồ chứa nước đảm bảo chống thấm, chống rò rỉ nước thải có chứa thông số ô nhiễm ra Khe Sào. Vận hành thường xuyên, đúng quy trình công trình xử lý nước thải, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường...

anh-3(1).jpg
Trang trại chăn nuôi lợn xả thải nước có nhiều chỉ số vượt mức cho phép gây ô nhiễm khe Sào

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, trả lời câu hỏi các đại biểu và cử tri quan tâm về các vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã có những chia sẻ thẳng thắn đối với các dự án gây ô nhiễm: "Khi nào những cơ sở này không còn gây ô nhiễm thì cho hoạt động lại, nếu không thì chấm dứt vĩnh viễn, cần thiết đền bù hợp đồng, ra tòa cũng phải chấp nhận".

Sẽ sớm di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư

Theo số liệu báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, địa phương này hiện có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh (cơ sở) đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bao gồm các loại hình sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm (342 cơ sở); chế biến đá xẻ, đá ốp lát (190 cơ sở); chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng (109 cơ sở); thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì (75 cơ sở); …

anh-4(1).jpg
Cơ sở chế biến đá hoạt động trong khu dân cư, chỉ được đầu tư sơ sài, thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường

700/826 (chiếm 84,74%) cơ sở đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố không đầu tư các công trình bảo vệ môi trường/đầu tư không đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường. Việc không thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường này dẫn đến chất thải không được thu gom, xử lý đã gây ô nhiễm môi trường; nhiều cơ sở, hộ gia đình đã bị người dân, báo chí thông tin nhiều lần.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

Theo đó, 700 cơ sở gây ô nhiễm (thuộc phạm vi Đề án trên); trong đó có 673 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch; bao gồm: 394/673 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường (chiếm 58,54%); 279/673 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường (chiếm 41,45%) thuộc diện phải di dời theo từng giai đoạn.

anh-5.jpg
Cơ sở sản xuất đá xả nước thải chưa được xử lý cẩn thận ra môi trường

Địa điểm tiếp nhận các cơ sở di dời là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung cùng địa bàn/địa bàn lân cận, đảm bảo ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt hoặc các vị trí mới được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương thực hiện dự án.

Hạn chế tối đa chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Dữ liệu của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống thể hiện, thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo rà soát, thống kê, phân loại các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; tổ chức thanh tra, kiểm tra xác định rõ nguyên nhân, phạm vi, tính chất, mức độ vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; kiên quyết định chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc: Thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường; tổ chức xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; cấp, gia hạn giấy chứng nhận về môi trường, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường... trên cơ sở đó xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm trong tham mưu, tổ chức thực hiện, để tồn tại kéo dài và phát sinh mới các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực có tác động lớn đến môi trường.

Đặc biệt, hạn chế tối đa chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó với các sự cố về môi trường trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, vận hành mạng lưới quan trắc môi trường; tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời về ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.

anh-6.jpg
Tỉnh Thanh Hóa sẽ không chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Giám sát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng và vận hành công trình xử lý chất thải, nước thải, khí thải... của các dự án; kiên quyết dừng hoạt động đối với các dự án chưa đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình xử lý chất thải, nước thải, khí thải hoặc đã đầu tư nhưng vận hành không đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; Giám sát chặt chẽ hoạt động xả rác thải, nước thải, khí thải của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sản xuất dọc lưu vực các sông trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Trường