Việt Nam nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 01:30, 29/12/2019

Moitruong.net.vn –  Trước nhiều hệ lụy khôn lường về sức khỏe và ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, hướng tới kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Xây dựng cơ sở dữ liệu trong quản lý rác

Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), ước tính mỗi năm có hơn 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương. Trong đó, 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền và 20% còn lại đến từ các hoạt động trên biển.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn được thải ra môi trường mỗi năm. Các chuyên gia đã cảnh báo rác thải nhựa là hiểm họa đối với môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái, chất lượng nước cũng như sinh kế của người dân.

Theo TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cần có các phương pháp khoa học nhằm tạo nguồn dữ liệu trong công tác quản lý rác thải nhựa, cơ quan chức năng có cơ sở khoa học để bản kế hoạch quốc gia trình Chính phủ ban hành kịp thời, tạo bước thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của Bộ TN&MT là đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Ðể giải pháp được thực hiện quyết liệt, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, cần xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia, cốt lõi là nâng cao khoa học công nghệ để xử lý rác thải nhựa bởi đây là vấn đề toàn cầu. Ðặc biệt, giải quyết rác thải nhựa ở Việt Nam là câu chuyện lớn, không thể giải quyết đơn lẻ bởi riêng cơ quan ban ngành nào.

Theo TSKH. Nghiêm Vũ Khải, những giải pháp công nghệ sẽ giúp xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá thực trạng nguồn rác thải, đồng thời có biện pháp tái chế, tái sử dụng các chất thải nhựa. Vì hàng triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm lại là nguồn phế liệu cần tận dụng và sử dụng có mục đích.

Bộ TN&MT cũng đang tập trung xây dựng dự thảo Ðề án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2019 về việc xây dựng “Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương”; đồng thời triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu mở. Ðây sẽ là một cơ hội để Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều cơ quan, tổ chức quản lý và nghiên cứu quốc tế có liên quan, cũng như chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.

Nguyên tắc coi rác thải là tài nguyên, thực hiện tuần hoàn tài nguyên, ưu tiên tái chế thay vì sản xuất mới chính là giá trị cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn.
Biến rác thải thành tài nguyên

Phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ TN&MT phát động đang được cộng đồng hưởng ứng tích cực

Biến rác thải thành tài nguyên

Thủ tướng Chính phủ cam kết huy động mọi nguồn lực của xã hội trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, đặc biệt sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ thông qua thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh nhằm hướng tới một xã hội bền vững.

Việt Nam mong muốn tạo được những bước đột phá và chuyển biến căn bản về nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa và thu gom, xử lý rác thải nhựa. Kế hoạch hành động cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể theo lộ trình từ nay tới năm 2030, gắn với hoàn thiện cơ chế, chính sách, giảm thiểu rác thải đại dương, hạn chế tiến tới loại bỏ sử dụng túi nilon trong các khu du lịch, dịch vụ ven biển… Sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu chuyên ngành, các trường đại học trong nước và quốc tế có ý nghĩa rất lớn cùng với Việt Nam thực hiện hiệu quả và thành công Kế hoạch hành động này.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ TN&MT, nhấn mạnh: “Thực tế, phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ TN&MT phát động đang được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, đồng thuận cao. Ðặc biệt, các Bộ, ngành và địa phương, toàn xã hội đã cùng chung tay tham gia phong trào, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về biện pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, ô nhiễm từ chất thải nhựa. Tôi cho rằng rất cần thiết phải đưa nguyên tắc coi rác thải là tài nguyên, thực hiện tuần hoàn tài nguyên, ưu tiên tái chế thay vì sản xuất mới. Ðây chính là giá trị cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn”.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho rằng công tác truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa cần được chú trọng, để mọi người dân có ý thức thường trực, thái độ kiên quyết giảm bớt các hành vi vi phạm liên quan đến rác thải nhựa trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh…

Có thể thấy, nhiều siêu thị tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Ðà Nẵng đã chủ động thay thế túi nilon bằng phương pháp bọc hàng hóa bằng lá chuối, giấy… Các loại cốc nhựa, ống hút nhựa cũng được người dân ở chung cư, văn phòng, bệnh viện cắt giảm sử dụng, thay thế bằng cốc giấy.

Ở nhiều trường học trong cả nước, phong trào tẩy chay rác thải nhựa được tuyên truyền và triển khai mạnh mẽ, việc mang chai nhựa, túi nilon vào trường bị cấm triệt để. Sinh viên phải mang cốc hoặc chai thuỷ tinh đến để lấy nước tại máy lọc nước của nhà trường để cho giảng viên giảng dạy sử dụng. Sự thay đổi nhận thức dẫn tới thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa đang mang lại những kết quả tích cực, giảm thiểu tối đa rác thải nhựa ra môi trường và lan toả thông điệp về bảo vệ hành tinh.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang rà soát các quy định về quy hoạch, quản lý, xử lý, chất thải rắn, dành nhiều cơ chế khuyến khích các mô hình xử lý, tái chế rác. Theo các chuyên gia môi trường, chỉ khi giải quyết được những bất cập về cơ chế tài chính và thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn thì Việt Nam mới có thể đạt được hiệu quả từ mục tiêu xử lý, tái chế rác thải nhựa.

Mai Anh (T/h)

Mai Anh (T/h)