Phở Hà Nội, Nam Định và mì Quảng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 14:00, 13/08/2024
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính thức công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phở Nam Định, phở Hà Nội và mì Quảng đã được đưa vào danh mục đặc biệt này.
Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tại 30/30 quận, huyện, thị xã… trên địa bàn thành phố đều có hàng phở.
Tính đến năm 2023, Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, những cửa hàng tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên.
Những thương hiệu phở gia truyền (trên 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng.
Theo nhiều sử liệu ghi chép lại món Phở tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỉ XX. Thuở ban đầu phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi và rao bán khắp phố phường tại Hà Nội vào những năm 1907-1910.
Qua việc kết hợp các loại nguyên liệu, gia vị mang tính bình, hàn trong chế biến phở đã thể hiện ý thức của con người về việc tạo nên sự cân bằng giữa con người và điều kiện môi trường tự nhiên.
Phở không những là món ăn tồn tại trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng mà góp phần làm phong phú thêm phở của người Việt Nam nói chung. Phở đã trở thành danh từ riêng trong hàng loạt từ điển danh tiếng trên thế giới và hiện diện ở trên 50 quốc gia trên thế giới.
Những cửa hàng phở lâu năm ở Hà Nội thường có quy mô không lớn, mặt tiền của cửa hàng để đặt quầy chế biến phở và thường sử dụng thêm vỉa hè, hoặc không gian nhà trong ngõ để kê bàn ăn.
Tên cửa hàng phần lớn đều không đặt tên hiệu cho thật hay mà quán thường được khách gọi theo tên của chủ quán hoặc theo những đặc điểm riêng biệt của chủ như: Phở Chiêu, Phở Tình, Phở Tư Lùn, Phở Sướng, Phở Vui, Phở Nhớ, phở Cường, phở Khôi "hói", phở Thìn Bờ Hồ, phở Thìn Lò Đúc..
Phở Nam Định cũng được công nhận thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nghiêm ngặt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Những tiêu chí này bao gồm: Tính đại diện cho bản sắc cộng đồng, khả năng phản ánh sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người, tính kế tục qua nhiều thế hệ, khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài, cùng với sự đồng thuận và cam kết bảo vệ từ cộng đồng.
Trước đó, cả Hà Nội và Nam Định đều xây dựng hồ sơ đề nghị nghề nấu phở ở hai địa phương này là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mì Quảng cũng nằm trong danh sách di sản mới được công bố. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nghề chế biến mì Quảng hiện được bảo tồn và phát triển tốt, người dân làm nghề có thu nhập ổn định, nguy cơ mai một không cao.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều lò tráng mì bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến nhanh chóng và thuận lợi hơn nhiều nên các lò tráng mỳ truyền thống có nguy cơ bị thu hẹp. Lớp trẻ đang ít tham gia làm nghề vì theo đuổi những công việc nhẹ nhàng, có thu nhập cao hơn.
Như vậy tới thời điểm hiện tại, về ẩm thực, nước ta có tổng cộng 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Phở Hà Nội, Phở Nam Định, mì Quảng, nghề làm nước mắm Nam Ô, nghề làm nước mắm Phú Quốc.