La Nina tác động cực đoan tới thời tiết
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 09:05, 14/08/2024
Miền Bắc vừa trải qua nùa mưa lũ khốc liệt, đặc biệt, tháng 7 vừa qua đã trở thành tháng mưa nhiều nhất trong 45 năm qua với tổng lượng mưa lên tới 577 đến 950mm. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai với 636 trận thiên tai.
Chỉ trong nửa cuối tháng 7, mưa lớn đã làm 30 người thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà dân bị hư hại, hàng loạt tuyến đường trọng điểm bị sạt lở ách tắc và hơn 40 nghìn ha hoa màu bị thiệt hại nặng nề cho vùng núi Bắc Bộ.
Trao đổi với phóng viên Moitruwong.net.vn, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà –Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn và BĐKH cho biết: “Trong đợt tháng 7 có 3 đợt mưa do tác động khác nhau, lượng mưa trung bình vượt hơn TBNN từ 30-50%, cao hơn 50%... Cũng đã có năm đã ghi nhận đợt mưa lớn vào tháng 7 nhưng năm 2024 cao hơn năm 2023 vì năm 2023 chịu ảnh hưởng năm El Nino, nhưng tương ứng với mức trong quá khứ ghi nhận, nhưng trong bối cảnh của BĐKH mưa cực đoan thể hiện rõ cũng như thay đổi hạ tầng của chúng ta hiện nay, đô thị hóa, mặt đêm, độ phủ làm xảy ra lũ, sạt lở cục bộ rất lớn…”
Như vậy có thể thấy, xu hướng mưa lũ lớn đang có dấu hiệu quay trở lại sau thời gian dài nắng nóng, hạn hán gay gắt.
So với El Nino, La Nina được cho là sẽ ôn hòa hơn về mặt nhiệt độ, tức là có thể đem theo thời tiết mát mẻ hơn cho một số khu vực trên Trái đất. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại về La Nina chính là nó có thể gây mưa bão mạnh ở các vùng ven biển.
Với xu thế này, nửa cuối năm nay, dự báo cuối mùa hè và mùa thu sẽ bắt đầu xuất hiện các hiện tượng thiên tai do tác động của La Nina, dẫn đến mưa nhiều, lũ lớn, khả năng xuất hiện mưa lũ nhiều vào giai đoạn cuối năm.
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà – Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn và BĐKH cho biết thêm: “Bão/ATNĐ hình thành ở biển Đông thì có có thể hoàn lưu không lớn nhưng đang trong giai đoạn hình thành và phát triển mà chưa mất đi năng lượng sau 1 chặng đường dài nên tích lũy năng lượng hơi nước đối với cơn bão là khá lớn nhất là trong điều kiện bề mặt nước biển được nung nóng, dòng nước biển ấm dồn về phía Tây trong điều kiện thời tiết La nina như này thì nguy cơ hình thành nhanh, di chuyển và tác động đến VN thời gian ngắn, lượng mưa đi kèm là khá lớn…”
Còn theo GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: “Bão và mưa nhiều lên thì cường độ mưa lớn nhiều lên, không chỉ tổng lượng lớn lên mà số đợt có cường độ mưa lớn cũng tăng hơn, đặc biệt ở Trung Bộ, đặc biệt là Nam Trung Bộ cần chú ý. Cuối năm lại liên quan đến gió mùa đông bắc, những đợt gió mùa từ tháng 9-10, nếu như các hình thế đó kết hợp với nhau, bão, hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh gây ra mưa rất lớn và kéo dài, xảy ra lũ lụt rất lớn và sạt lở đất.”
Đáng nói, những nguy hiểm này không chỉ về mặt lý thuyết mà thực tế đã chứng minh qua những năm trước mà gần nhất là năm 2020.
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: “Năm 2020 gần đây bão ATNĐ nhiều hơn bình thường và cái mùa mưa ở Trung Bộ dồn dập hơn. Tổng lượng mưa trong năm 2020 có điểm cao vượt lịch sử và có vùng năm 2020 lượng mưa cao gấp 3 gấp 4 lần. Chúng tôi lưu ý bà con theo dõi bản tin dự báo xa sớm, thông tin mưa có trên website nchmf, bão lũ trên trang canhbaoluquetsatlodat… cập nhật thời gian thực…”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, xuất hiện nhiều trận mưa lớn cục bộ, gây nguy cơ úng ngập đô thị và lũ lụt, sạt lở đất, các địa phương cần quan tâm rà soát những điểm nóng về thiên tai; từ đó, dự báo kịp thời, triển khai các biện pháp đề phòng, ứng phó, đặc biệt là với các tình huống có thể xảy ra vào ban đêm. Hơn hết, mỗi người dân cần trang bị những thông tin cần thiết để chủ động ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm.