Thừa Thiên Huế hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 09:30, 15/08/2024

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, Hội Nông dân (HND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các ngành liên quan tích cực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn là hướng đi phù hợp của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, hiện đại, góp phần đưa địa phương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các đơn vị xây dựng, mở rộng và phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn. Hội Nông dân (HND) tỉnh này cũng phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2024-2025.

nong-nghiep-xanh.jpg
Mô hình trồng dưa lê

Mục tiêu của tỉnh, HND tỉnh Thừa Thiên Huế trong phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan nhằm xây dựng, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn vì sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở thế mạnh từng vùng của mỗi địa phương, HND tỉnh vận động nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi phương thức chăn nuôi, trồng trọt truyền thống sang sản xuất theo hướng organic tuần hoàn Quế Lâm.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 500ha lúa, ngô, đậu tương… sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị; 42 hộ dân và 2 hợp tác xã đang hợp tác phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi giá trị với hơn 300 lợn nái, 6.000 con lợn thịt, 1.000 con gia cầm/năm và 21 nhà lưới với tổng diện tích hơn 60.000m2.

Thời gian tới, HND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Trong đó, tập trung phổ biến cơ chế, chính sách đối với phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

HND các cấp phối hợp hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, các chế phẩm sinh học cho cán bộ chủ chốt, hội viên nông dân (HVND); vận động HVND thay đổi nhận thức, tập tục canh tác từ sử dụng nhiều sản phẩm phân bón vô cơ, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh theo hướng bền vững. Đồng thời, phối hợp cung ứng dịch vụ phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học cho HVND phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng các gian hàng trưng bày, quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho HVND.

Hồng Trang