Kinh nghiệm bỏ túi cho chuyến đi tự túc đến Hà Giang
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 16:00, 15/08/2024
Khác với các điểm du lịch khác khi bạn chỉ có thể lựa chọn một thời điểm nhất định để tham quan, trải nghiệm thì Hà Giang là điểm đến bốn mùa, chiều lòng bất kì vị khách nào khó tính nhất. Mỗi mùa xuân - hạ - thu - đông, cao nguyên đá Hà Giang lại mang một sắc đẹp riêng biệt. Chính vì vậy, trong năm 2024, nếu bạn đang tìm kiếm một điểm đến "Tam bổ" vừa "bổ mắt, bổ ví, bổ kiến thức" thì du lịch Hà Giang chính là lựa chọn hàng đầu của bạn.
Du lịch Hà Giang bốn mùa
Mùa xuân (tháng 2-4)
Đến Hà Giang thời điểm này, du khách sẽ cảm nhận rõ nét đẹp hoang sơ của cao nguyên đá khi được tô điểm bởi muôn vàn loài hoa khoe sắc trên mọi cung đường, trên những ngọn núi, bản làng. Những cành đào buông xuống lấp lánh trước hiên nhà xen lẫn với sắc trắng của hoa mận, sắc vàng của hoa cải làm bừng sáng cả một vùng. Mùa xuân cũng là mùa lễ hội của rất nhiều các dân tộc nên lựa chọn du lịch Hà Giang mùa này, bạn có thể tham rất nhiều các hoạt động cùng với hàng trăm các trò chơi hấp dẫn như chọi trâu, đua ngựa, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội Lập Tịnh của người Dao...
Mùa hè (tháng 5-8)
Hoa tam giác mạch từ lâu đã trở thành điểm nhấn thu hút những đôi chân thích khám phá vẻ đẹp nơi rẻo cao Đông Bắc. Du khách đến đây sẽ "ngất ngây" trong sự quyến rũ mỏng manh trải dài giữa những cánh đồng bãi cỏ, chân núi khiến cao nguyên đá hoang sơ vốn hùng vĩ, tráng lệ như mềm mại, duyên dáng hơn nhờ sắc hồng của hoa tam giác mạch.
Mùa thu (tháng 9-11)
Khi thu sang, tiết trời bắt đầu mang cái lạnh se se của mùa đông vùng cao, thì cũng là thời điểm những cung đường như khoác lên chiếc áo vàng ươm, óng ả trên những ngọn đồi quanh các triền núi. Bạn có thể dạo quanh những thửa ruộng bậc thang, hít hà mùi thơm hương đồng gió nội của bông lúa chín. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để bạn có thể "săn mùa vàng" của cao nguyên đá.
Mùa đông (tháng 12-1)
Đến Hà Giang vào mùa đông, bạn có thể tận hưởng không gian ấm cúng bên bếp lửa, thưởng thức ngô, khoai nướng và trò chuyện cùng bạn bè trong khi xuýt xoa cái rét căm căm của vùng biên viễn. Nếu may mắn hơn, bạn còn được đưa tay đón những bông tuyết đầu mùa và khám phá cả mùa hoa cải, mùa thu hoạch hạt tam giác mạch đầy ấn tượng nữa. Đây là mùa chuyển giao nên cải vàng đua nở như một điều may mắn cho mùa xuân tới.
Đường đi Hà Giang có khó và nên đi phương tiện gì?
Xe máy
Với những ai thích khám phá và trải nghiệm thì xe máy là lựa chọn số 1 cho hành trình của bạn. Tuy nhiên, phần lớn cung đường di chuyển có địa hình đồi núi, đường đi lên dốc dài và quanh co nên đòi hỏi người điều khiển phương tiện cần cẩn thận, giữ vững tay lái và quan sát trước sau theo biển chỉ dẫn an toàn. Đường đi xe máy từ các địa điểm khác đến Hà Giang cũng tương đối dài, do vậy, nếu lựa chọn phương tiện này bạn nên chuẩn bị một chút đồ ăn nhẹ để bổ sung năng lượng cho chuyến đi xa.
Hoặc bạn có thể lựa chọn một hình thức khác khi di chuyển bằng xe ô tô đến Hà Giang, sau đó thuê xe máy tại các điểm du lịch. Hình thức này đang trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách vì vừa có thể đảm bảo sức khỏe mà vẫn đáp ứng việc khám phá Hà Giang bằng xe máy.
Xe khách
Xe khách là sự lựa chọn vô cùng thích hợp cho du khách đi Hà Giang. Xe khách khá thuận tiện và giúp bạn tiết kiệm chi phí chi chọn loại phương tiện này. Bạn có thể chọn xe giường nằm hoặc xe limousine chất lượng cao, tùy theo tài chính. Ngược lại nếu không đủ thời gian và sức khỏe, hoặc đoàn có người già và trẻ nhỏ thì bạn nên thuê ô tô dịch vụ 7 - 16 chỗ. Bạn nên ưu tiên chọn các chuyến xe khách đêm để tiết kiệm thời gian, giữ sức cho chuyến đi dài. Hãy tưởng tượng sau một đêm, bạn được tận hưởng bình minh và hít hà không khí trong lành của Hà Giang. Cảm giác sẽ rất tuyệt đấy!
Máy bay
Hiện nay, di chuyển bằng máy bay khi đi du lịch Hà Giang chưa được phổ biến như xe máy hay xe khách vì Hà Giang hiện chưa có sân bay. Nếu muốn bay tới Hà Giang bạn chỉ có thể chọn điểm dừng chân là 2 sân bay gần nhất bao gồm sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Vì vậy, nếu muốn mua vé máy bay đi Hà Giang từ Sài Gòn, bạn có thể bay ra Hà Nội rồi thực hiện di chuyển tới Hà Giang.
Top những địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ ở Hà Giang
Quản Bạ
Cổng Trời Quản Bạ, Núi Cô Tiên: Từ thành phố, điểm đầu tiên là cột mốc Km 0, sau đó di chuyển đến Quản Bạ chừng 40 km. Dừng chân bên Cổng trời Quản Bạ ở vị trí cao 1.500m so với mực nước biển, du khách thỏa sức chiêm ngưỡng trọn vẹn thị trấn Tam Sơn, xa xa là núi đôi Cô Tiên đẹp huyền diệu, đắm chìm trong tiết trời mát mẻ, không khí trong lành, khung cảnh thiên nhiên thanh bình. Nếu có dịp đứng trên cổng trời này vào sáng sớm bạn sẽ được ngắm nhìn mây mù giăng kín ngọn núi, đây là một khoảnh khắc tuyệt vời để chụp ảnh.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải: Đến Quản Bạ, bạn có thể khám phá Làng Lô Lô Chải nằm ngay dưới chân núi Rồng. Ngôi làng này được ví như là thế giới cổ tích bởi sở hữu những nếp nhà bình yên, xinh đẹp tựa như trong các quyển truyện chúng ta thường được nghe từ thuở nhỏ. Đối với những ai đang mong muốn tìm kiếm một địa chỉ để trốn khỏi thành phố đầy khói bụi, Làng Lô Lô Chải tựa như cổ tích này sẽ là điểm đến lý tưởng mà bạn có thể lưu lại trong cẩm nang du lịch Hà Giang của mình.
Mèo Vạc
Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc Tổ quốc: Mọi người vẫn hay nói "Chưa thăm cột cờ Lũng Cú là chưa đến Hà Giang". Đây là địa điểm mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến mảnh đất địa đầu Tổ Quốc. Cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng có độ cao 1.470 m so với mực nước biển. Trên đỉnh là cán cờ cao 9 m cắm quốc kỳ Việt Nam rộng 54 m2. Đứng trên đỉnh núi và phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ cảm nhận được khí trời mát lạnh của vùng núi Đông Bắc và không khí trang nghiêm tự hào nơi đây. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống có hai ao nước hai bên núi, quanh năm không cạn, được gọi là ao mắt rồng.
Phố cổ Đồng Văn: Cách cột cờ Lũng Cú 24km, Phố cổ Đồng Văn nằm trong vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được hình thành từ hơn 100 năm trước. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội say đắm trong vẻ đẹp yên bình, cổ kính của những nếp nhà nhuộm màu thời gian. Đêm đến sẽ là khung cảnh nhộn nhịp giữa những tiếng kèn môi và điệu múa giao duyên của trai gái trong bản.
Chợ phiên Đồng Văn: Muốn hiểu cái hay, cái đẹp của người Hà Giang thì du khách không nên bỏ lỡ chợ phiên Đồng Văn. Nơi đây không chỉ những phiên họp chợ trao đổi vô vàn hàng hóa độc đáo, đa dạng màcòn có nhiều hoạt động thú vị mang đậm bản sắc vùng cao cho khách du lịch trải nghiệm.
Yên Minh
Cao nguyên đá Đồng Văn: Cứ hễ nhắc đến thị trấn Yên Minh, nhiều tín đồ cuồng chân sẽ xuýt xoa trước bức tranh thiên nhiên bình yên, đầy mộng mơ với những thửa ruộng bậc thang trải dài tít mắt, rừng thông xanh ngút ngàn và rừng nguyên sinh nhiệt đới được bao bọc bởi các dãy núi hùng vĩ.
Hẻm Tu Sản: Thị trấn Yên Minh còn sở hữu "đệ nhất hùng quan"- Hẻm Tu sản. Đến đây, du khách đắm chìm vào vẻ đẹp kỳ vĩ với những vách đá cao ấn tượng, bên dưới là dòng sông Nho Quế xanh trong uốn lượn, xứng danh là tuyệt phẩm của tạo hoá.
Dinh thự Vua Mèo: Dinh thự họ Vương cũng là một công trình vừa mang tính lịch sử, vừa thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc khi đến Hà Giang. Đây là một công trình có thiết kế độc đáo, bề thế và nổi bật giữa lòng núi đá cao nguyên. Dinh thự nổi bật nhờ vẻ đẹp bề thế với những mảng tường đá xanh, mái ngói lợp từ đất nung và gỗ thông. Quanh ngôi dinh thự là những hàng cây sa trăm năm tuổi. Qua khỏi cổng đá là những phiến đá hoa cương chạm trổ kỳ công, tạo ấn tượng cho lối vào
Đông Hà
Cổng Trời Quản Bạ: Một lựa chọn khác khi đến Hà Giang, bạn có thể ghé thăm cổng trời Quản Bạ để chiêm ngưỡng trọn vẹn thị trấn Tam Sơn rồi xuống chợ phiên Mèo Vạc, hòa mình vào các nét đẹp văn hóa và thưởng thức món ăn dân tộc.
Kết thúc hành trình tại Dinh thự Vua Mèo với khuôn viên khu di tích rộng gần 3 ha nằm trong thung lũng xã Sà Phìn. Dinh Vua Mèo được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, mô phỏng theo kiến trúc Trung Quốc (đời Mãn Thanh) với những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Vé vào cửa 20.000 đồng một lượt.
Đến Hà Giang nhất định phải thưởng thức ẩm thực cao nguyên đá
Thắng cố
Thắng cố là món ăn đặc trưng của người H'Mông và có phần "kén" người thưởng thức. Tuy nhiên, nếu bạn đã lên đến Hà Giang nhất định phải thử món đặc sản của Tây Bắc này, mùi thơm của thảo quả, hạt dổi, củ sả với vị béo ngậy của thịt sẽ là dư vị mà bạn không bao giờ quên được.
Cháo ấu tẩu
Một món ăn khác nên thử là cháo ấu tẩu. Đây là món cháo được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ, củ ấu được ninh kỹ với nước hầm chân giò béo ngậy cùng các loại rau thơm. Cháo ấu tẩu có quanh năm nhưng điểm đặc biệt là chỉ bán vào buổi tối. Trời mùa đông lạnh giá, được ngồi trong không gian quán ấm áp bếp hồng và thưởng thức một bát cháo ấu tẩu bổ dưỡng với đủ các cung bậc mùi vị sẽ khiến cho bất kì vị khách nào cũng phải tấm tắc, xuýt xoa, nhớ mãi không quên.
Rượu ngô
Người Mông có câu hát: “… Gặp người là gặp bạn/Gặp bạn là gặp rượu/Gặp rượu mới là gặp nhau…" Rượu ngô Hà Giang là loại đồ uống cực phẩm của người Mông. Vị ngọt, thơm của ngô kết hợp cùng vị cay nồng của men rượu khiến cho người uống rượu ngô phải mê tít, say đắm cùng với đất và người Hà Giang.
Bánh cuốn Đồng Văn
Món bánh mềm mại, thanh tao với màu vàng nhàn nhạt vô cùng độc lạ. Mùi vị của lớp bánh bên ngoài, cùng vị béo của trứng, nước dùng thanh ngọt, tạo sự hấp dẫn, thu hút người dân địa phương và du khách.