Phát triển cây dược liệu, tạo sinh kế cho bản khó vùng cao

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 20:00, 19/08/2024

Trồng cây dược liệu dưới tán lá rừng không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng của thiên nhiên, mà còn tạo nguồn thu nhập chính, đưa kinh tế bà con vùng núi cao tỉnh Thanh Hóa từng bước khởi sắc.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa xác định mô hình trồng cây dược liệu dưới tán cây rừng là “đòn bẩy” để thúc đẩy kinh tế của bà con tại một số huyện miền núi Thanh Hóa, từ đó thay đổi thói quen canh tác du canh du cư, hiệu quả thấp chuyển dần sang trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

duoc-lieu.jpg
Mô hình trồng cây dược liệu được xem là hướng thoát nghèo bền vững cho các bản ở xã vùng cao

Đặc biệt, trước nhu cầu về sử dụng các sản phẩm dược liệu ngày càng cao, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân của tỉnh Thanh Hóa đã tham gia đầu tư, phát triển cây dược liệu. Để hỗ trợ bà con vùi núi tham gia phát các mô hình trồng cây dược liệu, ngày 11/12/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 4079/QĐ-UBND phê duyệt đề án: “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2025”.

Theo Đề án, phát triển mô hình cần chú trọng dựa trên tiềm năng tri thức bản địa của người dân khu vực miền núi, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao; Phát triển các mô hình cây trồng, dược liệu gắn với phát triển du lịch nhằm gia tăng giá trị sản xuất và cung ứng sản phẩm du lịch mới.

duoc-lieu-1.jpg
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 60 HTX tham gia sản xuất, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu

Đề án dự kiến phát huy được 33 đối tượng mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.000 hộ gia đình khu vực miền núi của tỉnh; xây dựng thương hiệu và công nhận từ 11 sản phẩm OCOP trở lên.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 60 HTX tham gia sản xuất, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu; tiêu biểu như: Hợp tác xã Dược liệu Pù Luông, huyện Bá Thước, liên kết sản xuất, tiêu thụ cà gai leo, chè đắng, ngải cứu cho hàng nghìn hộ dân các huyện Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Thường Xuân, Hoằng Hoá… Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bình Sơn, huyện Triệu Sơn thu mua cà gai leo cho người dân huyện Đông Sơn để sản xuất trà cà gai leo túi lọc; Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Lang Chánh liên kết với 100 hộ dân trồng 40 ha cây đu đủ đực lấy hoa; Hợp tác xã nông dược liệu Lương Sơn, huyện Thường Xuân, sản xuất tiêu thụ cây sachi, chè đắng…

Ghi nhận tại một số xã thuộc vùng đệm của khu sinh thái Pù Luông huyện Bá Thước, trước đây bà con chủ yếu trồng sắn và ngô, năng xuất thấp. Từ khi được hướng dẫn chuyển đất vườn tạp năng xuất thấp sang trồng cây dược liệu như xạ đen, hoàng ngọc, bạc hà, cà gai leo… Sau một thời gian trồng thử nghiệm, nhận thấy cây dược liệu sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng xuất cao nên địa phương đã tích cực chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích vườn dược liệu.

Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Dược liệu Pù Luông chia sẻ: “Trước đây bà con toàn trồng ngô với sắn nên không hiệu quả không cao. Sau khi được chính vận động bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bỏ cây ngô, trồng cây dược liệu. Nhờ được hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên hiệu quả kinh tế thay đổi rõ rệt”.

Theo thống kê, hiện nay diện tích trồng cây dược liệu của các Hợp tác xã cho thu nhập bình quân khoảng 280 - 350 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống. Đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Hiện toàn tỉnh hiện có hơn 20 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu được công nhận đạt chuẩn OCOP và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Việc phát triển cây dược liệu không chỉ bảo vệ sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, mà còn còn góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, phát huy được tiềm năng lao động, đất đai, truyền thống và nguồn cây thuốc thế mạnh, làm nguyên liệu cho công nghiệp chiết xuất, chế biến dược liệu, hướng đến xuất khẩu. Từ đó thúc đẩy nền kinh tế vùng cao phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền.

Sơn Hà