Năng lượng tái tạo đã vượt sản lượng điện than
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 04:30, 07/02/2020
Sự chuyển dịch này đánh dấu sự tiến bộ khi nền kinh tế lớn nhất Châu Âu hướng tới năng lượng tái tạo để cung cấp 65% nguồn năng lượng của họ vào năm 2030, trong một quá trình chuyển đổi tốn kém khi nước này từ bỏ năng lượng hạt nhân vào năm 2022 và đang sắp đặt kế hoạch rời bỏ than trong dài hạn.
Ảnh minh họa
Từ 2010 đến 2019, tỷ trọng điện than trong cơ cấu nguồn điện đã giảm 10 điểm phần trăm trong khi điện gió và điện mặt trời tăng 13 điểm phần trăm. Sự chuyển dịch của châu Âu đã tránh được sự phụ thuộc vào điện khí: mặc dù sản lượng điện khí tăng lên trong năm 2019 nhưng tỷ trọng điện khí năm 2019 vẫn thấp hơn năm 2010 là 1 điểm phần trăm và chỉ có 7 GW công suất điện khí mới được đưa vào vận hành ở châu Âu tính từ năm 2014. Đáng lưu ý là các nước có sản lượng điện gió và điện mặt trời tăng lớn nhất cũng có sản lượng điện than giảm lớn nhất.
Năm 2019, công suất điện gió tăng khoảng 14 GW, là mức cao thứ hai trong lịch sử, và công suất điện mặt trời tăng khoảng 17 GW, gấp đôi so với năm trước. Trong khi đó, kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng hỗ trợ năng lượng tái tạo hơn là nhiên liệu hoá thạch. Năm 2019 giá đấu thầu điện gió ngoài khơi ở Anh và điện mặt trời ở Bồ Đào Nha xuống mức thấp kỷ lục khi giá còn thấp hơn cả giá bán buôn. Các hiệp hội thương mại điện gió và điện mặt trời ở châu Âu dự báo công suất lắp đặt mới sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Năm 2019, có thêm hai quốc gia châu Âu cam kết loại bỏ nhiệt điện than là Hy Lạp và Hungary tuyên bố sẽ lần lượt loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2028 và 2030, nâng tổng số quốc gia EU nói không với điện than vào năm 2030 lên 20 nước. Năm 2019 cũng chứng kiến việc thành lập Uỷ ban Than của Czechia với nhiệm vụ đưa ra thời điểm loại bỏ nhiệt điện than.
Châu Âu đang dẫn đầu thế giới trong việc nhanh chóng thay thế điện than bằng điện gió và điện mặt trời, và kết quả là phát thải CO2 trong lĩnh vực điện đã giảm nhanh chóng. 30% trong tổng phát thải từ nhiên liệu hoá thạch toàn cầu đến từ điện than, cho nên cần tập trung ngay vào việc chuyển dịch khỏi nhiệt điện than ở tất cả các nước. Châu Âu đã trở thành một nơi thử nghiệm nhằm thay thế điện than bằng điện gió và điện mặt trời, và kết quả đạt được sẽ tạo sự đảm bảo cho các nước rằng họ cũng có thể đẩy nhanh quá trình loại bỏ nhiệt điện than.
Có thể thấy rằng, xu thế đầu tư và xây dựng các nhà máy điện sử dụng năng lượng sạch đang chiếm lĩnh vị trí chủ đạo và không thể thay thế. Các quốc gia châu Âu đang là lực lượng tiên phong trên thế giới với những hoạt động vì một môi trường trong sạch cho trái đất. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia châu Á có những thành tựu vượt bậc trong năm 2019 về phát triển năng lượng tái tạo được các tổ chức và các quốc gia châu Âu đánh giá cao.
Minh Anh (t/h)