Trước hệ lụy khó lường, Thái Lan dừng dự án nạo vét sông Mekong với Trung Quốc

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 00:30, 07/02/2020

Moitruong.net.vn – Các nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo rằng dòng sông có thể bị hoạt động nạo vét hủy hoại trong khi an ninh chủ quyền của Thái Lan cũng có thể bị tổn hại.

Dự án được Trung Quốc dự tính từ lâu, theo đó sẽ cho nổ các khối đá chắn trên dòng sông Mê Kông và nạo vét lòng sông ở khu vực miền bắc Thái Lan nhằm mở đường cho tàu thuyền lớn có thể di chuyển, có thể gồm cả tàu quân sự.

Mục tiêu là tạo ra liên kết thương mại đường sông kéo dài hàng nghìn km từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc về phía nam qua các nước trên dòng Mekong – Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Nhưng các nhà môi trường cảnh báo rằng sông Mekong – nơi có đa dạng sinh học lớn nhất trên thế giới sau Amazon sẽ bị hủy hoại, gây hại cho môi trường và chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông, đang đấu tranh để đảm bảo sự phát triển bền vững cho hàng trăm triệu người. (Ảnh: AFP)

Trong cuộc họp ngày 4.2, nội các Thái Lan đã quyết định ngừng dự án sau khi Trung Quốc không rót kinh phí để khảo sát khu vực cần nạo vét. Động thái này được coi là chiến thắng hiếm hoi của các nhà hoạt động trong việc bảo tồn tuyến đường thủy huyết mạch tại Đông Nam Á.

Sông Mekong có tổng chiều dài 4.880 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sông Mê Kông được cho là sở hữu sự đa dạng sinh học có thể so sánh với sông Amazon ở Nam Mỹ, nhưng nhiều loài động vật nguy cấp đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng vì các hoạt động nạo vét, xây dựng đập thủy điện… Lượng cá ở Thái Lan và Campuchia đang giảm, các đập thủy điện ở thượng nguồn giữ lại bùn cát, làm giảm lượng phù sa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Giới chuyên gia cũng cho biết các đập lớn ở Trung Quốc và Lào gây ra hạn hán theo mùa ở hạ lưu.

Lê Mai (t/h)

Lê Mai (t/h)