Tập trung các nguồn lực khắc phục, sửa chữa hạ tầng giao thông
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 12:30, 20/08/2024
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa.
Chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình đang trong quá trình thi công dở dang.
Cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình ở miền núi Bắc Bộ hay có lũ quét đột xuất.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ ở khu vực trung du và miền núi khu vực Bắc Bộ.
Các Khu Quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở,...
Kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến đường bộ.
Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước.
Khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc thường có đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước. Tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
Với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thường trực chống va trôi các cầu trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia đã được Bộ phê duyệt.
Đôn đốc các đơn vị quản lý bảo trì đường thủy nội địa kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu trước khi lũ về hoặc khi nhận được thông báo xả lũ của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương.
Các Sở GTVT trong khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lũ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành ở địa phương, Khu Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý, sữa chữa đường bộ, đường sắt.
Chủ động khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra, tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương được giao quản lý. Phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo, chuyển tải hành khách và hàng hóa ngay khi lũ rút.