Triển vọng phát triển Du lịch Net Zero tại Việt Nam - Bài 4: Một số khuyến nghị trong phát triển du lịch Net Zero tại Việt Nam
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 08:07, 21/08/2024
Nhiều khó khăn phải đối diện
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thắng (Trưởng Khoa Du lịch - Trường Đại học Công nghệ Đông Á), những nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam trong chuyển đổi xanh, bền vững thời gian qua rất đáng để biểu dương nhưng để đạt được mục tiêu Net Zero, còn phải đi một hành trình rất dài nữa.
“Chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi, được quốc tế và cộng đồng ghi nhận. Nhưng về tổng thể, chủ trương của nhà nước thì có nhưng quan trọng là các địa phương, doanh nghiệp và du khách vẫn còn chưa thực sự dành hết tâm huyết cho mục tiêu này. Mọi nơi trên đất nước chúng ta đều đang ngổn ngang các công trình xây dựng, resort, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển, dịch vụ bổ sung mà lượng khí thải quá lớn, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài hiệu ứng nhà kính, hãy nhìn Hạ Long, Sa Pa, Đà Lạt,…và nhiều điểm khác, sau một giai đoạn phát triển nóng du lịch, chúng ta thấy bê tông hóa khắp nơi, không khí bị ô nhiễm, nhà cửa che chắn hết không gian sinh thái nghỉ dưỡng du lịch. Ngay cả Vịnh Hạ Long là di sản thế giới mà nhiều du khách quốc tế vẫn than phiền về việc có nhiều rác thải trên vịnh quá. Phương tiện vận chuyển cũng mới đạt được tỷ lệ xe điện ở mức độ nhất định. Nhiều làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch vẫn xả thải, vẫn gây ô nhiễm môi trường…Và còn rất nhiều câu chuyện khác nữa” - PGS.TS Nguyễn Đức Thắng nhận định.
TS. Lê Thu Hương (Giảng viên bộ môn Quản trị du lịch và Truyền thông, Học viện Hành chính Quốc gia) cũng chỉ ra một số hạn chế trong phát triển du lịch Net Zero ở Việt Nam. Cụ thể:
Đầu tiên là về hạ tầng, công nghệ. Nhiều khu du lịch và cơ sở lưu trú chưa được trang bị các công nghệ và hạ tầng thân thiện với môi trường, như hệ thống năng lượng tái tạo hay quản lý rác thải hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm phát thải carbon còn hạn chế, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Tiếp theo là về nhận thức và giáo dục. Mặc dù nhận thức về du lịch bền vững đang tăng, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp và du khách chưa hiểu rõ hoặc chưa quan tâm đến tầm quan trọng của du lịch Net Zero. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về du lịch Net Zero chưa được triển khai rộng rãi và hiệu quả.
Thứ ba là về chính sách. Các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch Net Zero còn thiếu sự đồng bộ và cụ thể, gây khó khăn cho việc triển khai thực tế. Ngoài ra, chưa có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn và quy trình để đạt được mục tiêu Net Zero trong ngành du lịch.
Vấn đề chi phí cũng là một trong những khó khăn. Việc đầu tư vào các dự án du lịch Net Zero đòi hỏi nguồn vốn lớn, chi phí này có thể ảnh hưởng đến ngân sách của quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong khi nhiều doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa gặp khó khăn về tài chính. Mặt khác, các chương trình hỗ trợ tài chính từ chính phủ và các tổ chức quốc tế còn hạn chế, chưa đủ để thúc đẩy mạnh mẽ các dự án du lịch Net Zero.
Thứ năm là vấn đề quản lý rác thải, thiếu sự gắn kết với việc bảo vệ môi trường. Mặc dù khái niệm du lịch xanh nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường nhưng thực tế là việc liên kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường vẫn chưa đạt được. Các biện pháp bảo vệ môi trường, như xử lý chất thải, bảo vệ nguồn nước và đảm bảo quy hoạch hợp lý, vẫn chưa được triển khai và thực hiện một cách hiệu quả. Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để, việc phát triển du lịch làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật. Ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, đã làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo.
Nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường, làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ. Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích; những tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại lai và những hạn chế trong nhận thức về bảo vệ môi trường đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, làm môi trường xuống cấp, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
Một vấn đề quan trọng khác là việc phát triển du lịch chưa đủ nhạy bén đối với biến đổi khí hậu. Việc tăng cường lượng khách du lịch và phát triển các cơ sở lưu trú mà không có biện pháp hạn chế khí thải carbon dẫn đến tăng lượng khí nhà kính và góp phần gia tăng hiện tượng biến đổi khí hậu.
Tiếp đó là tính khả thi, việc chuyển đổi sang du lịch Net Zero cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân. Mặt khác, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch Net Zero còn hạn chế, do thiếu thông tin và hỗ trợ cần thiết. Việc chuyển đổi sang Net Zero cũng có thể dẫn đến mất việc làm trong một số hình thức du lịch truyền thống.
Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp du lịch Net Zero có thể dẫn đến một số rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn như việc khai thác và sử dụng tài nguyên không hiệu quả: Hiệu suất sử dụng tài nguyên vẫn còn thấp, gây ra lãng phí và tiêu thụ không cần thiết. Sự thiếu hụt kế hoạch và quản lý tài nguyên dẫn đến việc tiêu thụ không cân đối và có thể gây mất cân bằng môi trường.
Một số khuyến nghị
Với hàng loạt khó khăn cần phải giải quyết trong quá trình phát triển du lịch Net Zero tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Thắng (Trưởng Khoa Du lịch - Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cho rằng, phải chấp nhận thực tế là để ngành du lịch Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero thì cần phải trải qua một quá trình dài, đòi hỏi sự tâm huyết, quyết tâm và quyết liệt. “Không thể vội vàng được, cần phải hài hòa vì các điểm đến, các doanh nghiệp họ làm du lịch vẫn còn phải vì mục tiêu lợi nhuận. Chúng ta cần phải có chính sách đặc biệt cho vấn đề này” - PGS.TS Nguyễn Đức Thắng bày tỏ quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, ThS. NCS Lê Văn Viễn (Phó trưởng bộ môn Quản trị Du lịch Khách sạn, Trưởng Đại học Tài nguyên Môi trường) cũng nhấn mạnh, để ngành du lịch nước ta phát triển bền vững, hiệu quả, nhanh chóng chạm tới mục tiêu Net Zero, cần phải xây dựng những chính sách và giải pháp cụ thể. Trong đó bao gồm:
Thứ nhất, cần phải tôn trọng và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, dựa trên tính nguyên sơ, nguyên bản của các giá trị cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa dân tộc. Cần phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp - nông thôn, du lịch khám phá trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe. Các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình phát triển và kinh doanh du lịch cần tính đến bài toán "xanh hóa” và "bền vững hóa” các hoạt động du lịch, trên cơ sở gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Thứ hai, đặc biệt cần thiết phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng…
Thứ ba, để khách hàng và cộng đồng có ý thức về du lịch xanh, cần tăng cường giáo dục và nhận thức thông qua các chiến dịch thông tin, truyền thông và chương trình đào tạo. Nâng cao truyền thông về Net Zero để mọi người nhận thức đúng đắn về các mục tiêu này. Đồng thời, truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động đúng. Bên cạnh đó, truyền thông về du lịch gắn liền với Net Zero cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nâng cao nhận thức của mỗi người, thì việc lựa chọn loại hình du lịch BVMT mới ngày càng tăng lên, và có hiệu quả được.
Thứ tư, đầu tư hạ tầng và công nghệ xanh. Hạ tầng du lịch Net Zero đóng góp quan trọng, hòa cùng với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải chuyên nghiệp, công nghệ tiết kiệm năng lượng thông minh, hệ thống vận tải xanh như xe điện…
Thứ năm, khuyến khích nghiên cứu và đổi mới khoa học công nghệ mới, các giải pháp sáng tạo nâng cao tính cạnh tranh và thu hút khách du lịch quốc tế. Đây là giải pháp rất phù hợp trong thời kỳ đất nước ta đang bùng nổ sự phát triển kinh tế số với lực lượng lao động trong lĩnh vực khoa học công nghệ dồi dào.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết quốc tế. Hợp tác này cần có sự phối hợp và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, xây dựng dự án, chương trình giữa các doanh nghiệp du lịch trong nước, tổ chức phi chính phủ (NGO), các đối tác du lịch quốc tế để tạo ra môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển du lịch xanh. Cùng với sự quan tâm từ các cơ quan quản lý chức năng, du lịch Net Zero sẽ thực sự tạo ra một mạng lưới du lịch xanh trong cả nước và đồng hành cùng sự phát triển kinh tế xanh toàn cầu.
Thứ bảy, cần xây dựng hệ thống đánh giá và giám sát hiệu quả của các hoạt động du lịch xanh. Điều này đảm bảo rằng các doanh nghiệp và tổ chức du lịch tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về bảo vệ môi trường và tài nguyên. Các tiêu chí đánh giá bao gồm tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải, bảo vệ đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương và tạo ra lợi ích bền vững.
Cuối cùng, cần xây dựng một mạng lưới du lịch xanh, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có cùng mục tiêu và cam kết về du lịch bền vững. Mạng lưới này có thể cung cấp cơ hội cho việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tài nguyên, đồng thời tạo ra một nền tảng để phát triển và thúc đẩy du lịch xanh trong cả nước.
Có thể thấy, phát triển du lịch xanh, bền vững, tiến đến du lịch Net Zero là một bước tiến quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch Net Zero không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường và tài nguyên, từ đó đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Các chuyên gia tin rằng, tuy còn nhiều khó khăn phải đối mặt nhưng với sự hợp tác và nỗ lực chung từ các bên liên quan, chúng ta có thể xây dựng một ngành du lịch xanh mạnh mẽ và bền vững, đóng góp vào sự phát triển toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.