Phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam - Bài 5: Những giải pháp bền vững
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 10:18, 22/08/2024
Hướng đi tất yếu và những đề án quan trọng
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và xanh hóa trong mọi lĩnh vực là xu thế không thể đảo ngược, xây dựng nền nông nghiệp xanh là hướng đi tất yếu của Việt Nam. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tháng 1/2022 tiếp tục khẳng định quan điểm và mục tiêu phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp nối thành quả đã đạt được và hướng tới những mục tiêu cao hơn trong phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Cục Bảo vệ thực vật đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt 3 đề án quan trọng. Đó là: Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030. Các đề án gồm nhiều giải pháp về kỹ thuật, chính sách, tiến bộ khoa học, sử dụng vật tư an toàn hiệu quả cũng như các giải pháp thanh tra, kiểm tra, truyền thông nâng cao nhận thức người dân
Cỏ thể thấy, đây là 3 đề án độc lập nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhằm huy động và phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Trong đó, Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 hướng tới tăng cường sức khỏe cây trồng, nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Các giải pháp thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững
Với các chính sách đã được ban hành, tại Việt Nam, mô hình nông nghiệp xanh đang ngày càng được người nông dân quan tâm. Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Phân tích về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện BVTV (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NNPTNT) cho hay: Trong hành trình hướng tới nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, cần có những chính sách cụ thể cần sâu sắc hơn nữa. Ví dụ, cần khuyến khích người sản xuất áp dụng các công nghệ mới, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hay phân bón hữu cơ. Thứ 2, cần tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu quy trình, công nghệ, kỹ thuật tiên tiên tiến để áp dụng trên diện rộng. Thứ 3, trong thời kỳ công nghệ 4.0 thì việc áp dụng chuyển đổi số, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến là hết sức cần thiết. Cùng với đó, là việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Thứ 4, cần có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, cơ chế cho vay và thu nợ theo chu kỳ sản xuất của cây trồng, vật nuôi.
Đặc biệt, mục tiêu của nước ta là sản xuất nông nghiệp hàng hóa an toàn và phải có thị trường. Vì vậy, câu chuyện liên kết chuỗi, phát triển thị trường và duy trì được thị trường vẫn là một điều thách thức, TS Liêm cho biết thêm
Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo“4 đúng,” giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật, như: "3 giảm 3 tăng," "1 phải 5 giảm," kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường. Những nghiên cứu đã chỉ ra, ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí methane sinh ra càng nhiều. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ.
Hay mô hình lúa-tôm, lúa-cá… là một trong những mô hình điển hình về thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững. Đây chính là những hướng đi mới phù hợp với thị trường hiện nay bởi trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ.
Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hình thức kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.
Để thực hiện hiệu quả nông nghiệp xanh trong thời gian tới, Việt Nam cần có những bước đi mới, có tầm nhìn dài hạn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp xanh.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp xanh, bao gồm: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã 2023, chính sách phát triển kinh tế trang trại và phát triển kinh tế hộ. Phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã được quan tâm, ngày càng sát với sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó tiếp cận, nhất là nhu cầu vốn lớn cho phát triển nông nghiệp xanh, đề nghị được sử dụng tài sản hình thành trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh nông nghiệp để làm tài sản thế chấp.
Trong sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro kép do thiên tai, dịch bệnh từ những tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu và rủi ro do thị trường vì vậy để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ sản xuất cần có chính sách mở rộng phạm vi đối tượng được bảo hiểm cho nông nghiệp.
Hai là, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị nông sản xanh; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức sản xuất xanh. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi; trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhằm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp. Tổng kết, tuyên truyền và nhân rộng các hình thức hợp tác, liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản xanh. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp xanh gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, nhất là các ngành chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ làm nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, trong đó đặc biệt ưu đãi các doanh nghiệp về các vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Ba là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ.
Xác định khoa học và công nghệ phải là khâu then chốt để tạo đột phá trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, quản lý quy trình từ sản xuất đến thương mại sản phẩm; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất, quản lý nông nghiệp; xây dựng quy trình chuẩn để có thể sản xuất các sản phẩm xanh, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu quốc gia.
Nghiên cứu các chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo; chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp; thực hiện chính sách đặt hàng cho các nhiệm vụ khoa học; hình thành các Trung tâm khoa học công nghệ cho các vùng trọng điểm nông nghiệp; quản lý tốt quy hoạch, xã hội hóa tối đa đầu tư xây dựng khu và vùng nông nghiệp trọng điểm.
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp, năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp xanh của nông dân.
Thực hiện đào tạo nghề cho nông dân theo đề án, dự án sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cho người làm nghề nông nắm vững khoa học, kỹ thuật và các kỹ năng, quy trình sản xuất xanh cần thiết, để nông dân trở thành nông dân “chuyên nghiệp”, có thể làm chủ được quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp trong đào tạo nghề cho nông dân khi tham gia các hợp đồng liên kết. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa trí thức trẻ về công tác tại tuyến xã.
Năm là, đẩy mạnh phát triển thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp xanh; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro theo cam kết, hội nhập quốc tế; tranh thủ kinh nghiệm nguồn lực từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế để phát triển nông nghiệp xanh nhất là phát triển thị trường tín chỉ các bon, canh tác nông nghiệp giảm phát thải.
Các địa phương cần tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hóa với những quy trình canh tác chặt chẽ; đồng thời chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây chính là yếu tố hàng đầu để định vị một nền nông nghiệp xanh.
Nông nghiệp xanh ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Với tiềm năng da dạng sinh học của Việt Nam, với sự lao động cần cù, trí thông minh của nông dân, nếu có chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, với sự liên kết chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp với việc áp dụng nông nghiệp CNC, nông nghiệp kỹ thuật số, phát triển nông nghiệp xanh, Việt Nam tự tin sẽ đạt mục tiêu trở thành cường quốc về nông nghiệp trên thế giới, người nông dân sẽ có thu nhập cao, nông nghiệp Việt Nam không chỉ là trụ đỡ của kinh tế, mà nông thôn Việt Nam sẽ là nơi đáng sống nhất và là điểm du lịch xanh của thế giới vào năm 2050.