Gia Lai: Chất lượng nước sinh hoạt “khó đoán” của nhà máy nước Krông Pa

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 23:14, 23/12/2017

(Moitruong.net.vn) – Người dân sử dụng nước từ Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa (Gia Lai) bất an vì nguồn nước họ sử dụng có hiện tượng lúc sạch, lúc bẩn.

Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa, Gia Lai

Nhiều tháng nay, hầu hết các hộ dân trên địa bàn thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) cho rằng nguồn nước sinh hoạt tại Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa không đảm bảo, lúc bẩn, lúc sạch.

Mỗi lần người dân mở van là thấy nước lờ nhờ đục ngầu và có rất nhiều cặn bã, trên thành những thùng chứa nước luôn đóng một lớp vàng đục như rỉ sét khiến người dân cảm thấy bất an mỗi khi sử dụng.

Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp từ Trạm cung cấp nước của huyện bằng nguồn vốn JICA (Nhật Bản) với mức đầu tư khoảng 45 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng tháng 4/2015 nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch cho hàng ngàn người dân vùng nắng hạn.

Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa được nâng cấp. Với công suất thiết kế khoảng 4.000 m3/ngày đêm, trạm đang cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 3.400 đầu mối sử dụng, gồm các cơ quan, hộ gia đình ở thị trấn Phú Túc, xã Phú Cần, Ia Mlah và một số buôn tại xã Chư Gu.

Theo thiết kế công trình, nguồn nước được lấy từ hồ chứa Ia Mlah qua hệ thống ống dẫn có tổng chiều dài 16 km mới về đến trạm. Tại đây, nước được xử lý qua rất nhiều công đoạn rồi mới cung cấp đến các cơ quan, hộ gia đình.

Theo ông Tạ Chí Khanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, việc người dân kiến nghị qua các đợt tiếp xúc cử trị, huyện đã lấy mẫu nước gửi Viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm, phân tích.

Kết quả các chỉ số hàm lượng Sắt, Mangan, E.coli đều đạt, tuy chỉ có màu sắc và độ đục vẫn còn cao so với giới hạn cho phép. Còn nguyên nhân cụ thể khiến nguồn nước bị đục thì hiện nay vẫn chưa xác định được.

Nói về nguồn nước và quy trình vận hành trạm nước, ông Phạm Quốc Phong – Trạm trưởng Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa, cho biết: Nguồn nước được lấy từ hồ thủy lợi Ia Mlah, về đến trạm nước được xử lý qua rất nhiều công đoạn rồi mới cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, do một số hạng mục của công trình chưa đồng bộ nên rất khó khăn trong việc vận hành, xử lý dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo.

Bên cạnh đó, mạng lưới truyền tải và phân phối nước dù đã được nâng cấp nhưng vẫn còn tồn tại những đường ống làm từ chất liệu sắt, kẽm bị han gỉ gây ô nhiễm ngược lên mạng lưới đường ống dẫn đến làm vàng nước, ảnh hưởng đến nước sạch cung cấp cho người dân. Hơn nữa, nhiều đơn vị thi công đào bới vỉa hè, lòng đường thường xuyên làm bể ống nước khiến cho đất bùn tràn vào đường ống gây đục nước, vi khuẩn E.coli xâm nhập.

Theo ông Phong, cũng không loại trừ nguyên nhân lắng cặn trong đường ống. Để khắc phục triệt để tình trạng này phải dùng công nghệ Plasma (công nghệ điện khí thủy động). Tuy nhiên, việc làm sạch bề mặt đường ống theo công nghệ này đòi hỏi kinh phí rất lớn, khó thực hiện.

Trước mắt, để sử dụng được nguồn nước tốt nhất, ông Khanh khuyến cáo người dân khi sử dụng cần xả van để nước lắng đọng lại khoảng 2 – 3 giờ rồi mới sử dụng.

Thời điểm này, huyện Krông Pa đang vào mùa khô hạn, nhu cầu sử dụng nước của người dân là rất lớn. Thiết nghĩ, các ngành chức năng nên sớm vào cuộc tìm ra nguyên nhân, xử lý dứt điểm tình trạng trên để người dân khỏi bức xúc, kiến nghị khi phải trả tiền mua “nước bẩn”.

Thanh Lâm (t/h)