Sóc Trăng: Báo động tình trạng sạt lở đê bao cồn Kế Sách

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:30, 25/08/2024

Tình trạng sạt lở tại khu vực đê bao cồn ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, đang ở mức đáng báo động, gây xáo trộn đời sống và sản xuất của người dân.

Không chỉ trong đất liền, hiện tượng sạt lở ở khu vực đê bao cồn tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cũng đang trong tình trạng đáng báo động, gây nhiều xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực. Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan vừa tiến hành khảo sát hiện trạng sạt lở tại các khu vực có nguy cơ cao, nhằm thống nhất phương án ứng phó theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đoàn đã tiến hành khảo sát các điểm xung yếu trên địa bàn ấp An Tấn và ấp An Công thuộc xã An Lạc Tây. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn 2 ấp này đã ghi nhận 11 đoạn sạt lở với chiều dài 259m. Qua rà soát, hiện vẫn còn 35 đoạn đê bao với tổng chiều dài 1.048m đang có nguy cơ sạt lở rất cao. Hiện nay, địa phương đã chỉ đạo người dân triển khai giải pháp mềm để giữ nước, ngăn triều cường, riêng giải pháp lâu dài rất cần nguồn kinh phí hỗ trợ từ tỉnh.

de-bao-ke-sach.jpg
Tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thời gian qua diễn biến phức tạp

Ông Võ Tấn Đạt - Bí thư Chi bộ ấp An Tấn, xã An Lạc Tây chia sẻ: “Năm nào cũng sạt rất nghiêm trọng, đã lấy đá kè rồi mà tàu chạy qua thì nó cũng bị sụp lún xuống nữa. Bà con mong muốn Nhà nước có giải pháp hỗ trợ để không xảy ra tình trạng vỡ đê, có như vậy mới yên tâm sản xuất”.

Riêng xã Phong Nẫm có hệ thống đê bao khép kín là 44km, được đầu tư gần 25 năm. Năm 2021, 16 km đê bao trên tuyến đã được nâng cấp. Tuy nhiên, do tác động của sự thay đổi dòng chảy và ảnh hưởng của triều cường, 28km còn lại hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Qua thống kê, toàn xã hiện có 26 đoạn đê với tổng chiều dài 921m có nguy cơ sạt lở cao, rất cần được đầu tư nâng cấp để ổn định đời sống, sản xuất của người dân.

Ông Lê Văn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm cho biết: “Mặt đê hiện tại chỉ có 1,5m, đợt rồi có 16km được Nhà nước nâng cấp mở rộng bề mặt lên 3m, chân đê từ 6m - 8m. Địa phương mong được tiếp tục hỗ trợ thêm cho 28km còn lại để vừa chống tràn, vừa tạo điều kiện thuận lợi về vận tải hàng hóa để đời sống bà con phát triển hơn”.

Dòng chảy ở một số tuyến sông, kênh, rạch có sự thay đổi, lưu lượng nước chảy siết, nhiều tàu trọng tải lớn lưu thông gây áp lực lên các bờ sông... là những nguyên nhân chính khiến tình trạng sạt lở bờ sông tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Kế Sách diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận 45 đoạn sạt lở tại khu vực đất liền với chiều dài 1.239m, 12 điểm sạt lở đê bao cồn với chiều dài 269m. Ở một số xã cù lao, đê bao cũng là tuyến giao thông nông thôn chính để người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa, nên một khi không được gia cố, bồi trúc kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu dân sinh của bà con trong khu vực.

Ông Vũ Bá Quan - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách cho biết thêm: “Trước diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở đê bao cồn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã đề xuất tỉnh cho phép triển khai cơ chế xử lý khẩn cấp, không áp dụng cơ chế đấu thầu theo quy định hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp để việc xử lý đê cồn được kịp thời, hiệu quả”.

Việc rà soát, phát hiện để triển khai giải pháp gia cố là rất quan trọng, đặc biệt là với đê bao cồn. Bởi một khi xảy ra sự cố, thiệt hại là rất lớn, việc khắc phục cũng tốn rất nhiều kinh phí. Do đó, ngay sau quá trình khảo sát và đánh giá mức độ rủi ro, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng cân đối nguồn ngân sách của tỉnh cũng như đề xuất sự hỗ trợ từ Trung ương để triển khai khẩn cấp công tác khắc phục sạt lở tại các khu vực xung yếu nhất.

Ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, thông tin: “Qua khảo sát chúng tôi cũng ghi nhận một số đoạn đê có nguy cơ sạt lở cao gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, đối với những đoạn này chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch gia cố gấp trong thời gian tới. Ngoài nguồn lực nhà nước đầu tư chúng tôi cũng vận động bà con thực hiện giải pháp kè mềm để bảo vệ chân đê, đặc biệt là trong giai đoạn triều cường thường xuất hiện vào những tháng cuối năm”.

Bên cạnh các giải pháp công trình sẽ được triển khai trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng không mong muốn do tác động của tình trạng sạt lở tại Kế Sách, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sinh sống ven sông, kênh rạch; từng bước hình thành các cụm, tuyến dân cư để bố trí nơi ở ổn định cho các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở.