Thanh Hóa sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 26/08/2024

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa liên tiếp phải đón nhận các loại hình thiên tai khác nhau; gần đây nhất là hiện tượng sóng, nước biển xâm thực tại vùng biển và tình trạng sạt lở ở các khu vực miền núi. Trước thực trạng trên, ngoài việc khẩn trương khắc phục hậu quả, còn phải tích cực chủ động để ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết và tác động tiêu cực của thiên tai.

Thời tiết bất thường, thiên tai nguy hiểm

Từ cuối tháng 7/2024 đến nay, do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn với tần suất cao và ảnh hưởng của mưa, lũ do hoàn lưu bão số 2 nên hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển xảy ra rất nhanh và nguy hiểm, diễn biến rất phức tạp. Phạm vi bị sạt lở, xâm thực khoảng 25ha, trong đó điểm xâm thực vào bờ sâu nhất tại xã Hoằng Trường khoảng 30m, xã Hoằng Phụ khoảng 100m, làm mất đất sản xuất, kinh doanh của nhà nước và nhân dân. Đáng lo ngại, hiện tượng sạt lở, xâm thực có nguy cơ ảnh hưởng đến 205 hộ/630 nhân khẩu cũng như công trình kè chống sạt lở, bảo vệ bờ biển Hải Tiến, tuyến đường giao thông nội bộ ven bờ biển và nhiều công trình khác trong khu vực. Dự báo, trong thời gian tới, hiện tượng sạt lở, xâm thực có khả năng còn diễn biến phức tạp, khó lường.

anh-1.jpg
Sạt lở, xâm thực bờ biển đang biến phức tạp tại Thanh Hóa

Trước thực trạng trên, ngày 23/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3507/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, xâm thực, cắm mốc quan trắc theo dõi và biển cảnh báo nguy hiểm; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, không cho người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra triều cường, nước biển dâng. Huyện Hoằng Hóa khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai khu vực bờ biển thuộc các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa bảo đảm an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”; nhất là sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra, thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển sạt lở, xâm thực. Tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, xâm thực bờ biển và xác định giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện, bảo đảm ổn định lâu dài cho khu vực bờ biển bị sạt lở, xâm thực….

anh-2.jpg
Hê thống bờ kè bị nứt vỡ nghiêm trọng

Tại khu vực miền núi xứ Thanh, nhiều ngày trở lại đây, cũng đã xảy ra tình trạng mưa lớn cục bộ, kéo dài, gây nhiều thiệt hại cho tài sản của người dân và hệ thống giao thông. Nghiêm trọng nhất là tình trạng sạt lở Quốc lộ 15C, nối huyện Mường Lát với các địa phương khác. Cụ thể, ngày 24/8, thông tin từ UBND huyện miền núi biên giới Mường Lát xác nhận, mưa lớn trong những ngày qua đã làm sạt lở, sụt lún, hư hỏng phần mặt đường trên tuyến Quốc lộ 15C (nối huyện biên giới Mường Lát với các huyện miền xuôi), đoạn thuộc địa phận bản Na Tao, xã Pù Nhi, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện qua khu vực này; ngoài ra, các vết sạt trượt này còn khiến một ngôi nhà của người dân bị đổ sập, hư hỏng nặng, phải sơ tán và có nguy cơ ảnh hưởng đến 13 hộ dân sống ngay cạnh.

anh-3.jpg
Vết nứt toác sâu trên Quốc lộ 15C

Theo dữ liệu của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, tại Thanh Hóa từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 22 trận thiên tai làm 2 người chết, 1 người bị thương, 1.707 ha lúa bị thiệt hại, 518 nhà bị hư hỏng... Ước giá trị thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng.

Chủ động phòng, chống, khắc phục thiên tai trong thời gian tới

Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai có thể gây ra, nhất là trong các tháng cao điểm của mưa bão năm 2024 (tháng 8, 9, 10) đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Công điện số 16/CĐ-UBND Về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

anh-4.jpg
Mưa lớn khiến nhiều vùng bị cô lập trên địa bàn miền núi Thanh Hóa

Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định.

Tổ chức rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác, không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau thiên tai, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu học sinh.

anh-5.jpg
Sạt lở do mưa lớn kéo dài tại miền núi xứ Thanh

Giao các sở, ban, ngành, tập trung thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; ổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai; nắm chắc tình hình, thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai nghiêm túc, hiệu quả.

Nguyễn Trường