Làm gì để hạn chế tình trạng giữ nước trong cơ thể?

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 19:30, 02/09/2024

Nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể và đóng vai trò chính trong tất cả mọi hoạt động sống của con người. Việc mất nước rõ ràng không tốt, tuy nhiên việc giữ nước trong cơ thể quá mức cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Cuộc sống xanh

Làm gì để hạn chế tình trạng giữ nước trong cơ thể?

Hoài Anh 02/09/2024 19:30

Nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể và đóng vai trò chính trong tất cả mọi hoạt động sống của con người. Việc mất nước rõ ràng không tốt, tuy nhiên việc giữ nước trong cơ thể quá mức cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Các dấu hiệu cơ thể bị giữ nước

Bạn không nên bỏ qua dấu hiệu giữ nước, vì theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn đến suy thận hoặc suy tim. Dưới đây là một số dấu hiệu giữ nước cần lưu ý:

Tăng trọng lượng nhanh: Nếu bạn nhận thấy sự gia tăng trọng lượng nhanh, điều này có thể là do cơ thể bạn đã bắt đầu giữ lại nhiều nước hơn mức cần thiết.

tap-the-duc-thuong-xuyen.jpg
Ảnh minh họa


Sưng các khớp
: Một dấu hiệu giữ nước là sưng khớp, cũng có liên quan đến sự gia tăng trọng lượng do nước ứ trong cơ thể. Sự tích tụ nước cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng cơ và gây ra yếu và đau cơ. Bạn có thể có những điểm căng cơ trên chân tay, khó đi bộ và thậm chí có tình trạng cứng một số khớp.

Tăng nhịp tim
: Chính tình trạng giữ nước làm cho tim khó bơm máu đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Điều này thường xảy ra khi chân và tay của bạn sưng lên do nước giữ lại. Giữ nước chân tay gây tăng áp lực ngoại vi và cản trở hoạt động co bóp tống máu của trái tim và thường làm cho bạn cảm thấy rằng nhịp tim đang tăng lên. Theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương tim và các mạch máu.

Chú ý đến sự đổi màu da
: Giữ nước làm ảnh hưởng đến dòng máu. Bạn có thể nhận thấy rằng có tình trạng đỏ da ở một số khu vực và có những đốm nhợt nhạt trên da ở các khu vực khác của cơ thể, chủ yếu do giữ nước làm lưu thông máu bị rối loạn. Nếu bạn bấm vào da, bạn có thể nhận thấy một vết lõm để lại lâu trên da.

Có tình trạng khó thở
: Phù có thể dẫn đến sưng tấy các tổ chức mô trong cơ thể, phù cũng có thể ảnh hưởng đến các mô trong phổi và dẫn đến khó thở. Chất lỏng bổ sung có thể tích tụ trong phổi của bạn càng làm gia tăng khó thở. Khò khè, khàn giọng và ho là một số dấu hiệu cho thấy có thể có dư thừa nước trong các bộ phận hô hấp.

Các cách đơn giản giảm tích nước trong cơ thể


Giảm ăn muối


Natri, có nhiều trong muối, có thể khiến cơ thể giữ lại lượng nước dư thừa. Lựa chọn chế độ ăn ít muối nghĩa là cung cấp cho cơ thể ít natri hơn, do đó làm giảm khả năng giữ nước.

Bổ sung vitamin B6


Thực phẩm giàu vitamin B6 như đậu gà và cá béo có thể hỗ trợ điều chỉnh cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Vitamin B6 hoạt động như một chất lợi tiểu, thúc đẩy cơ thể đào thải lượng nước và natri dư thừa. Vì vậy, bổ sung những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này vào chế độ ăn có thể giúp ngăn ngừa tình trạng giữ nước.

Thử cây bồ công anh


Bồ công anh có đặc tính lợi tiểu, nó có thể giúp tăng sản xuất nước tiểu và đào thải lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Cho dù pha thành trà hay thêm vào salad, việc thêm bồ công anh vào thói quen ăn uống có thể giúp giảm đầy hơi và kiểm soát tình trạng tích nước.

Ngủ đủ giấc


Ngủ không đủ giấc có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến các dây thần kinh giao cảm ở thận, đây là các dây thần kinh giúp kiểm soát sự cân bằng lượng nước trong cơ thể. Ngủ đủ giấc cũng sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, một trong những nguyên nhân gây giữ nước.

Chịu khó vận động


Hoạt động thể chất không chỉ có lợi cho sức khỏe tổng thể mà còn có thể giúp ngăn ngừa tình trạng giữ nước. Khi tập thể dục, các cơ sẽ co lại, giúp kích thích lưu lượng máu, làm giảm sự tích tụ chất lỏng trong các mô và giảm khả năng giữ nước.

Hoài Anh